Cái tên góp phần làm nên thành công của nhiều ngôi sao đình đám – Tayla Parx đã quyết định bước ra ánh đèn sân khấu với album đầu tay. Cô vừa mới tiết lộ về hành trình âm nhạc và nhiều điều lý thú mình từng trải qua. Trong đó, có một điều đặc biệt là cô nàng không thể sáng tác được gì khi trời quá nóng.
“Tôi thực sự yêu thời tiết giá lạnh nơi đây vì cần cái gì đó như kiểu để làm mình run rẩy một chút”, nữ ca/ nhạc sĩ đến từ vùng Texas đầy nắng Tayla Parx vui vẻ nói. “Là một người sáng tạo, tôi luôn khao khát những thứ có thể đưa mình ra khỏi vòng lặp bình thường hàng ngày và truyền cảm hứng cho bản thân. Tôi yêu cái lạnh ở đây bởi chẳng thể nào nghĩ ra lời bài hát nào trong mùa hè cả. Bài hát “High Hopes” của Panic! At The Disco được tôi sáng tác trong khi đang ngâm mình trong mạch nước ngầm giữa mùa đông và dĩ nhiên ca khúc này sẽ không thể được như vậy nếu tôi đang làm gì đó ngoài trời nắng nóng”.
Tayla Parx sở hữu một hồ sơ mà bất cứ nhạc sĩ nào cũng phải “phát hờn”. Cô từng sáng tác nhạc cho nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới, đơn cử như Mariah Carey, Christina Aguilera, BTS,… hay cô bạn thân Ariana Grande với hai bản hit gần đây “Thank U, Next” và “7 Rings”. Trong năm qua, cô nàng cũng đã chứng minh mình là một cô “tắc kè hoa” có thể “cân” mọi thể loại nhạc, thậm chí lấn sâu vào cả dòng nhạc Rock và Country.
Hôm 05/04 vừa qua, Tayla đã quyết định bước ra ánh sáng với dự án album đầu tay “We Need To Talk”. Sau quãng thời gian giúp những ngôi sao khác kể nên câu chuyện của họ, giờ đây đã đến lúc cô cần phải “ra mặt” để thể hiện khả năng và viết những câu chuyện cho riêng mình qua chất nhạc cổ điển và khả năng diễn xuất đã được trui rèn.
Để trở thành một người nghệ sĩ như hiện tại, nền tảng âm nhạc cổ điển đã định hình bạn như thế nào?
Tôi biết cách hát nhưng để học chi tiết về cách kiểm soát giọng hát cũng như độ rung hay sự khác nhau giữa hát liền giọng và ngắt âm là một điều không hề dễ dàng. Bạn sẽ không nhận ra những điều này trong suốt hành trình của mình nếu không sở hữu chất giọng của nghệ sĩ, trừ khi bạn thực sự hiểu rõ nền tảng phía sau đó. Tôi bắt đầu hát nhạc cổ điển khi lên khoảng 7 tuổi rồi tới lúc 9 hay 10 tuổi gì đó, tôi học chơi đàn piano cổ điển. Đó là một thử thách đấy vì cha mẹ muốn tôi học một cách thật khéo léo.
Bạn đã trải qua sự huấn luyện thực thụ?
Vâng, chính xác là vậy. Sau cùng thì tôi rất thích nó. Nhiều năm sau tôi kiểu như: “Wow, mình vẫn còn nhớ bài hát tiếng Ý quái quỷ này”. Tôi đã không hề biết tất cả điều đó sẽ trở thành nền móng để mọi thứ sau này trở nên dễ dàng hơn. Giờ đây, tôi đã sở hữu một nền tảng âm nhạc vững chắc.
Thế rồi cơ hội diễn xuất tới và bạn nhận được các vai diễn có tiếng, trong đó có bộ phim “Hairspray”. Nhưng có một điều rõ ràng là âm nhạc vẫn cứ luôn kéo bạn theo. Bạn muốn dành lời khuyên gì gửi tới những người đang đứng giữa hai niềm đam mê?
Theo tôi, lời khuyên lớn nhất chính là thời gian là tất cả. Tôi từng phải đưa ra những quyết định khó khăn. Đã tới lúc bản thân phải từ bỏ diễn xuất dù mọi chuyện đang tốt đẹp để làm điều mình yêu thích. Không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ trở lại với nghề diễn nhé, chỉ là bạn cần dành nhiều thời gian cho cái mình yêu trước đã. Sau đó, tôi đã không nhận ra rằng những ngón nghề của mình và việc diễn xuất thực sự giúp ích được cho vai trò truyền tải những câu chuyện. Là một diễn viên, dù sao thì tôi cũng chỉ nhảy vào vỏ bọc của một ai đó thôi, bạn biết chứ?
Hãy tưởng tượng về phương thức diễn xuất khi bạn làm việc với nghệ sĩ. Bạn tự vấn rằng: “Mình sẽ cảm thấy thế nào hay phản ứng ra sao khi làm điều này?”. Tôi chính là người như vậy. Khi viết nhạc cho Janelle Monáe, tôi chính là Janelle. Khi sáng tác cho Ariana Grande, tôi cũng là cô ấy. Diễn xuất thực sự hữu ích nhưng tôi cần đưa ra quyết định rằng bản thân muốn làm âm nhạc hơn.
Có những bước cụ thể nào để bạn làm quen với một nghệ sĩ mà mình chưa từng gặp trước đây, mà giờ phải viết một ca khúc cho họ không?
Dù bạn có là nghệ sĩ mới hợp tác với tôi hay bất cứ ai đã từng làm việc chung trong nhiều năm, tôi vẫn sẽ luôn bắt đầu kiểu: “Mọi thứ ổn cả chứ? Dạo này bạn làm gì vậy? Bạn yêu ai, ghét ai?”. Ngay cả với Ariana, thì đó cũng là những thứ bạn phải nói, lấy ví dụ đặc biệt như bài “Thank U, Next”. Khi tôi nói cần làm một ca khúc về những người yêu cũ của cô nàng nhưng hãy nói cảm ơn họ, tôi sẽ bắt đầu rằng: “Cậu thích và không thích điều gì ở Big Sean? Cậu đã học được gì từ anh ấy?”. Hãy cư xử như đang thực hiện một liệu pháp tâm lý, tách mình khỏi những cảm xúc và hành động cá nhân mà hỏi han thật lòng. Cứ hỏi họ những câu hỏi có thể giúp bạn xây dựng nên bài hát ấy.
MV “Thank U, Next” – Ariana Grande.
Gần đây tôi có thấy Missy Elliott nhắc tới bạn trên Twitter, tôi cá chắc bạn rất phấn khích vì cô ấy là một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất của bạn. Lúc đó trong đầu bạn xuất hiện điều gì?
Tôi muốn phát điên luôn! Lúc đó tôi đang ngồi hoàn thiện album của mình thì bỗng dưng nhận được tin nhắn của một fan thông báo Missy có lời gì đó nói với tôi. Ôi không, thế là tôi lập tức mở thông báo lên và thấy cô ấy nhắc đến mình trong lúc đang phản hồi một người nào đó. Missy động viên tôi đừng để ai hay bất cứ gì có thể ngăn cản mình rồi cô ấn theo dõi tôi. Thực là muốn mất cả hồn vía vì đây là một trong số ít nữ nghệ sĩ đã góp phần hình thành nên Tayla Parx.
Trong các MV của tôi, sẽ có những thứ mà nếu bạn nhìn vào thì tôi sẽ tỏ vẻ kiểu: “Okay, mình sẽ bày mưu tính kế gì tiếp theo để lên một tầm cao mới?”. Tôi biết cô ấy là một trong ít người làm như vậy mà chẳng biện hộ gì. Từ một nhà điều hành hãng thu âm tới những công việc khác, có rất nhiều khía cạnh cho thấy tại sao Missy Elliott là một huyền thoại và người ta bắt đầu tôn trọng, ngưỡng mộ cô.
Tựa đề album của bạn là “We Need To Talk” (nghĩa là Chúng ta cần nói chuyện). Khi nghe ai đó nói câu này với mình, tôi đều rất lo lắng. Do đâu bạn lại quyết định lấy tên này?
Tôi chọn nó vì trước hết, nó khiến người ta hồi hộp. Tôi muốn nắm bắt cảm giác như khi phải gửi tin nhắn hoặc nhận đoạn tin nhắn đó. Tức là tôi nằm ở cả hai bên của phương trình ấy. Bạn biết đấy, một thứ nghiêm trọng sắp xảy ra có thể là chuyện vui và ngược lại, có thể là “Chúng ta cần nói chuyện. Em đã yêu anh rồi” hoặc “Mình cần phải nói chuyện. Em không còn yêu anh nữa”. Lúc này, album như một loại văn bản nói về những gì đã xảy ra trong năm qua và nửa phần đời của tôi. Vậy nên đây chính là cảm xúc khi khám phá ra nhiều thứ mà tôi cần phải nói tới. Sau đó, tôi muốn nghe mọi người nói kiểu như “Nào, chúng ta cùng thảo luận về nam nữ bình quyền, về cái này về cái nọ”. Mọi người đều có gì đó mà họ cảm thấy cần nói ra mà. Hy vọng là album này sẽ là một cuộc đối thoại giúp mở ra những gì chúng ta muốn nói đến.
Cá nhân tôi yêu thích bài “Disconnected” trong album, nói về việc đứng giữa sân khấu với một ai đó. Bạn có chia sẻ gì không?
Bài hát đến ngay tại đất New York, trong một studio tên là Grey Noise. Tôi ngồi cùng nhạc sĩ Mike Sabbath và muốn viết một ca khúc theo kiểu khi bạn đang trò chuyện với ai đó và cố gắng hiểu họ đang nói cái quái gì rồi bạn nhận ra mình đã bỏ lỡ điều quan trọng nào đó. Nó cũng quay lại chủ đề “We Need To Talk” và giống như chúng ta mất kết nối tại đây rồi. Ta đang ở trong cuộc nói chuyện lạ kỳ mà không phải hẹn hò. Tôi cảm thấy nhiều người trong độ tuổi của chúng ta có vẻ cũng đang gặp tình trạng tương tự và hoàn toàn thực lòng muốn viết một bài hát như thế.
Tôi đã gặp tình trạng này nhiều năm, là cô gái nhỏ luôn lo lắng khi cứ quanh quẩn với đống câu hỏi: “Chúng ta là gì? Đây là thứ gì? Ta cần có một tiêu đề”. Bạn sẽ không muốn là cô bé ấy đâu và cũng không phải kiểu “Mình thật hạnh phúc khi ở đây”. Vì vậy, “Disconnected” chính là về điều đó. Kiểu như: “Xin lỗi, tôi không nghe bạn nói gì cả, không phải vì bạn câm hay nói dối”. Những cuộc đối thoại phải thuộc về giai đoạn chỉ đang trò chuyện hoặc hẹn hò – nơi mà bạn nhận ra: “Này, tôi sẽ chỉ nói cái này một lần thôi và nếu anh không hiểu thì tôi sẽ phải rời đi”.
Đó là bước ngoặt của toàn bộ album. Lúc đầu, nó sẽ giống như “Em muốn nhiều người” cho tới khi gần gũi hơn thì sẽ thành “Bây giờ em chỉ muốn anh thôi”. Bạn bước vào giai đoạn hạnh phúc này và rồi nhận ra đây chắc không phải người mà mình muốn ở cạnh suốt phần đời còn lại. Điều này sẽ dẫn tới ca khúc “Easy”. Sau tất cả thì tôi sẽ đau lòng và đây là lý do tại sao hai ta cần phải nói chuyện rõ ràng.
Một ca khúc khác mà tôi cũng rất thích đó là “Tints” của nhạc sĩ Anderson .Paak và rapper Kendrick Lamar. Lúc ở trong phòng thu thì họ thế nào?
Tôi và Anderson .Paak gặp gỡ thông qua Christina Aguilera vì chúng tôi cùng sản xuất một bài hát cho cô ấy. Anderson .Paak rất tuyệt vời. Khi biết tôi sẽ ở phòng thu với Christina hôm đó, anh ấy sẽ bày tỏ kiểu “Tôi muốn tham gia cùng với các bạn”. Cả nhóm đã thực hiện 2, 3 phần gì đó. Một hôm sau khi rời khỏi nhà Christina, chúng tôi bỗng nảy ra ý tưởng viết một bài hát và cuối cùng “Tints” ra đời. Tôi cực kỳ hào hứng rồi bỗng nhiên Anderson gửi cho tôi một đường link có Kendrick Lamar tham gia. Ôi trời đất! Anderson .Paak quả thực là một trong những thiên tài mà tôi được gặp. Anh ấy không ngừng đưa mọi người lại gần nhau và hỗ trợ bạn hơn bất cứ ai khác.
Chắc phải mất cả ngày để nói về những huyền thoại âm nhạc mà bạn đã từng cộng tác như Mariah Carey và Christina Aguilera. Cái bắt tay nào thách thức bạn nhiều nhất?
Tôi nghĩ trường hợp thử thách nhất là Janelle Monáe. Cô ấy là một nghệ sĩ bị lệch trung tâm, làm mất nhiều thời gian như cần hàng năm trời để sản xuất album vậy. Janelle thực sự cần nhiều thời gian để vượt qua ranh giới sáng tạo. Phong cách sáng tác của tôi thì rất nhanh, đi thẳng vào vấn đề. Tôi buột ra những ý tưởng tuyệt vời và cả tệ hại rồi chúng tôi hướng đến những ý hay trong suốt quãng đường thực hiện. Nhưng với cô gái này, thực sự là vấn đề. Nó khác với những gì xảy ra khi ở trong phòng thu với Ariana hay những nữ nghệ sĩ khác tôi từng hợp tác. Họ là những cô nàng thích uống sâm panh, khóc hay cười và các bạn có thể nghe thấy điều đó trong âm nhạc. Với Janelle thì sự rung cảm hoàn toàn khác hẳn vì âm nhạc đã được tính toán, sắp đặt theo những cách khác nhau.
Đây chính là điều thách thức tôi nhất khi phải tiếp cận theo cách rất khác biệt so với một ngôi sao nhạc Pop hay R&B điển hình nào đó. Và đó đồng thời cũng là lý do tôi thấy thú vị trong dự án với Janelle bởi tôi thích bị thử thách. Hầu hết những việc tôi làm trong sự nghiệp là bởi ai đó nói tôi không làm được đâu hoặc vì cảm thấy đây là một thử thách thúc đẩy bản thân sáng tạo để làm cái gì đó khác đi và tốt hơn.