Hình ảnh cô bé mặc áo bà ba màu hồng trên sân khấu “The Voice Kids” cách đây 10 năm, rót mật vào tai bằng những giai điệu “Quê Em Mùa Nước Lũ” đã in đậm trong thanh xuân của nhiều khán giả. Tuy nhiên đối với chính giọng hát ấy, thời thanh xuân chỉ vừa mới bắt đầu. Bằng việc từ bỏ cặp kính cận đã gắn bó suốt nhiều năm, Phương Mỹ Chi lột xác ngoạn mục ở tuổi 20 đồng thời tạo nên một “vũ trụ” âm nhạc trái ngược hoàn toàn với những gì đã hằn sâu trong tâm trí người yêu nhạc suốt một thập kỷ qua. Có ý kiến cho rằng âm nhạc Phương Mỹ Chi dần trẻ lại trong khi fan đang già đi. Còn nữ ca sĩ thì chỉ hy vọng khán giả sẽ cho mình cơ hội để khám phá thanh xuân của bản thân.
Chúc mừng Phương Mỹ Chi vừa có màn trở lại đầy ấn tượng với “Vũ Trụ Có Anh”. Lịch trình đi show có vì thế mà bận rộn hơn không?
Tôi có nhận show rồi nhưng thú thật là đang thấy hơi lo vì khả năng nhảy còn rất hạn chế. Trong MV khán giả chỉ thấy tôi nhảy một đoạn nhỏ nhưng thực tế là tôi đã tập vũ đạo của toàn bộ bài hát để có thể đi diễn. Mọi người biết mà, trước giờ Phương Mỹ Chi chỉ toàn đứng hát, lâu lâu cũng có múa một chút nhưng đối với việc vừa nhảy vừa hát giống như một nghệ sĩ trình diễn thì tôi như một trang giấy trắng vậy. Thậm chí tôi còn đoán được việc mình sẽ bị “fail” vài lần. Dù cố gắng cỡ nào nhưng đến lúc lên sân khấu nhiều khi hồi hộp quá thành ra tự nhiên cứng miệng, cứng cả tay chân. Tôi còn nghĩ tới chuyện khán giả sẽ cảm thấy thất vọng hoặc trách mình. Tuy nhiên bị mắng vì nhảy không đẹp chẳng đáng sợ bằng việc bị mọi người chê hát dở. Do đó tôi vẫn cố gắng nhảy đẹp nhưng sẽ tiết chế đôi chút để tập trung vào phần giọng hát nhiều hơn. Để trở thành một nghệ sĩ trình diễn thực sự rất khó. Giai đoạn này tôi đang thích học hỏi các kĩ năng trình diễn chứ đích đến thật sự của tôi vẫn là một nghệ sĩ đa năng. Hy vọng khán giả sẽ cho Phương Mỹ Chi vài cơ hội để hoàn thiện.
Thay đổi ngoạn mục về âm nhạc và hình ảnh, Phương Mỹ Chi có thấy sợ khi quyết định ra mắt “Vũ Trụ Có Anh”?
Tôi không sợ gì cả mà ngược lại vô cùng hào hứng vì rất tự tin với ca khúc lần này. Không phải chỉ mỗi Phương Mỹ Chi tạo nên “Vũ Trụ Có Anh” mà còn có rất nhiều người khác cùng nhau góp sức nữa. Tôi tin tưởng những người đồng đội và cả bản thân mình. Tôi tự tin nhưng không thái quá. Tôi cũng chẳng tự ti đến mức sợ hãi khán giả sẽ quay lưng vì biết rằng bài hát của mình hay, không ăn cắp hay bắt chước ai hết. Thật ra tôi từng tự đấu tranh rằng liệu Phương Mỹ Chi hát nhạc Pop sẽ có điều gì riêng biệt? Nhưng nếu không hát Pop, tôi sẽ mãi dậm chân tại chỗ và cứ như vậy cho tới già hay sao? Công ty muốn cho tôi một con đường mới nhưng sẽ không từ bỏ điều cốt lõi hay bản chất vốn có bởi đó những điều đáng gìn giữ và cũng là thế mạnh của chính Phương Mỹ Chi. Song song đó, tôi cũng phải khai phá những khả năng bên trong mà bản thân chưa từng biết. Lắng nghe những định hướng ấy, tôi cảm thấy phù hợp và đúng với những gì mình đã nghĩ trong đầu nhưng chưa có cơ hội nói ra.
Đối với tôi, âm nhạc quê hương giống như một ngôi nhà, giữ một vị trí quan trọng trong tim. Có thể đến ngày nào đó dòng nhạc ấy sẽ rơi vào trạng thái bão hòa hay một Phương Mỹ Chi thứ hai xuất hiện. Hoặc cũng có khi tôi sẽ tự cảm thấy nhàm chán chính mình. Tôi rất sợ cảm giác ấy vì bản thân cũng đặt kỳ vọng rất nhiều. Những lúc như thế tâm trạng mình đi xuống và chẳng còn tha thiết muốn làm gì. Tôi không muốn trường hợp đó xảy ra. Vậy nên trong thời thanh xuân đang rất đẹp đẽ này, tôi nghĩ mình nên thử sức với những điều mới mẻ. Hiện tại tôi đang có một mảnh đất rất màu mỡ đó chính là DTAP (cười). Tôi tự nhủ rằng những người này giỏi như vậy sao không cố gắng học hỏi từ họ, kết hợp với họ để tạo ra sản phẩm chung. Bản thân cũng thú vị mà, tại sao không thử khai phá nó đi. Mọi thứ đang ở ngay đây rồi, cứ thế làm thôi.
Trước khi phát hành “Vũ Trụ Có Anh”, chị tôi hỏi tới tấp rằng “sao sắp quay rồi không giảm cân đi” hoặc “sao chưa tập nhảy vậy?”, “biết phong cách của mình là gì chưa?”, “sẵn sàng chưa chẳng lẽ cứ đợi ăn may nữa hay sao?”. Chị ấy còn bảo rằng: “Nổi tiếng với “Quê Em Mùa Nước Lũ” là một sự may mắn. Sau đó em loay hoay không biết làm gì tiếp theo thì có thể chấp nhận được. Nhưng “Vũ Trụ Có Anh” giống như cơ hội để debut một lần nữa. Với 10 năm kinh nghiệm, lỡ bài này được đón nhận mà vẫn không biết nên làm gì nữa thì lỗi nằm ở chính em”. Chị càng nói tôi càng áp lực. Tôi cảm thấy bản thân cần phải tập luyện nhiều hơn vì sợ đánh mất cơ hội này. May mắn là bây giờ đã đi được 60% quãng đường rồi. Nếu thất bại thì phần trăm cũng rất ít nên hiện tại tôi khá lạc quan.
Phương Mỹ Chi có theo dõi phản ứng của fan không? Liệu tệp khán giả của bạn có thay đổi nhiều khi bạn lựa chọn theo một màu sắc âm nhạc mới?
Đó cũng là điều phải đau đầu suy nghĩ đấy. Nhưng để thống kê hay khảo sát chỉ qua một bài hát thôi thì chắc vẫn chưa đủ. Tôi nghĩ cần thêm vài sản phẩm nữa mới có thể đưa ra con số chính xác. Cũng lường trước được việc “có người đến, có người đi và có người ở lại” nên tôi không quá bất ngờ hay buồn nhiều. Tuy nhiên có một điều tích cực là 85% lời nhận xét trên các nền tảng mạng xã hội đều rất ủng hộ. Đây là một con số ngoài mong đợi. Số còn lại có chăng họ không thích lắm. Bên cạnh đó, #2 Top Trending Youtube cũng là thành tích cao nhất từ trước đến giờ mà tôi có được. Trước đây hát dân ca hay bolero tôi chưa bao giờ lọt Top cả vì nó thuộc một phạm trù khác. Tôi nhớ từng có một lần đạt Top Trending nhưng chỉ “ké” thôi vì đó là sản phẩm “Nam Quốc Sơn Hà” của anh ERIK chứ không phải sản phẩm cá nhân chính thức.
Sau khi phát hành bài hát mới, tôi đã dùng facebook ẩn danh vào group fan của mình để xem thử phản ứng của mọi người như thế nào. Không biết khán giả có phát hiện ra tôi ở trong đó hay không mà chẳng thấy ai phàn nàn gì hết (cười). Nhiều bình luận bảo “bé Chi lạ quá, đẹp quá, năng động quá”. Tôi không rõ cảm xúc bên trong của khán giả ra sao nhưng nếu ai cũng ủng hộ như vậy thì quá tốt rồi. Trước đó trong nhiều bài báo và cả buổi họp báo của mình, tôi đã đính chính là sẽ không bao giờ từ bỏ dân ca. Đó giống như một niềm hy vọng, sự an ủi dành cho những khán giả cũ của Phương Mỹ Chi, những bậc cô chú hay phụ huynh. Mong rằng mọi người sẽ cho con bé này cơ hội để khám phá thanh xuân của mình.
Không biết hành trình khám phá để tạo nên “Vũ Trụ Có Anh” đã diễn ra như thế nào, đặc biệt là phần âm nhạc vì bài hát kết hợp khá nhiều thể loại khác nhau?
“Vũ Trụ Có Anh” thực chất là một đề bài tôi nhận được khi tham gia lớp thực tập sinh của DTAP. Ý tưởng ban đầu là một bài nhạc Disco mang âm hưởng Disney chứ chưa xuất hiện phần ca trù. Khi nhắc về Disney, tôi vô tình nhớ tới câu chuyện nổi tiếng về Lọ Lem, cũng chính là hình ảnh mình yêu thích lúc nhỏ nên rất muốn viết về nhân vật này. Tôi cùng sáng tác với hai bạn thực tập sinh khác, trong đó tôi là người viết nội dung. Chúng tôi cũng đã hoàn thành một bản phối trên dòng nhạc Disco và vui vì được chấm điểm cao. Đưa cho các anh chị trong công ty nghe thử thì ai cũng thích, bảo rất catchy. Thế nhưng làm xong tôi chỉ để đó chứ không nghĩ đến việc phát hành, cũng chưa có kế hoạch ra MV hay dự định lâu dài nào với dòng nhạc này. Khoảng một năm rưỡi sau tôi mới ấp ủ về một dự án dài hơi. Từ đó bắt đầu đi tìm tòi và viết thêm nhiều ca khúc nữa. Bàn bạc rất lâu, chúng tôi quyết định phát hành “Vũ Trụ Có Anh” như một phát súng mở màn. Thế mà chính tôi lại không muốn ra mắt bài hát này đầu tiên vì cảm thấy nó khác xa với những gì mọi người từng nghĩ về mình. Tôi muốn thay đổi thì phải từ từ một chút hoặc có một chiếc cầu nối nào đấy để tạo nên sự chuyển tiếp mượt mà. Nhưng sau cùng tôi đã được thuyết phục bởi DTAP. Tôi nhận ra âm nhạc đi theo dòng chảy thời đại. Nếu cứ “ngâm” dự án từ năm này sang năm khác thì có thể đến lúc đó mình sẽ thấy bài nhạc không hay hoặc không còn hợp xu hướng nữa. Vậy nên cái nào hay thì phải làm trước.
Phiên bản gốc của “Vũ Trụ Có Anh” chủ yếu viết về Lọ Lem và chỉ nhắc tới nhân vật Tấm ở duy nhất một câu hát. Tuy nhiên hoài bão của tôi cũng như DTAP chính là hướng đến những sản phẩm mang yếu tố truyền thống nên chúng tôi đã quyết định thay đổi cốt truyện. Có một đoạn ca từ trước đó do tôi viết có nội dung là “Tinh tú trên cao sao đẹp bằng em đêm nay/ Trăng sáng trên cao mà anh không đưa vào tầm mắt/ Ta cứ đong đưa trong nhịp điệu cha cha cha/ Hương tóc em thơm làm cho vòng tay anh cứ siết chặt”. Nhưng sau khi quyết định chuyển sang viết về Tấm, các anh DTAP buộc phải chỉnh sửa lại gần như là 90% với mong muốn bài hát trở nên Việt Nam hơn và đúng với không khí trẩy hội.
Nhưng sau khi nghe đi nghe lại, tôi cảm giác vẫn chưa thoả mãn, chưa “đã cái nư” lắm. Lúc này mới ngồi xuống bàn bạc với các anh DTAP, cả hai bên tìm cách làm cho yếu tố dân tộc trong bài hát trở nên mượt mà và rõ nét hơn. Trong bài có câu “Em dù bên Đông hay là bên Tây”, ban đầu khi thu âm câu hát này, tôi thể hiện nó một cách nhẹ nhàng, mang hơi hướng R&B. Tuy nhiên lần thứ ba bước vào phòng thu, tôi lại vô tình ngân thêm một chữ. Anh Thịnh (DTAP) thấy hay hay nên dựa vào đó để phát triển tiếp. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm chất liệu cho nốt ngân ấy, hướng đi giai điệu và âm giai như thế sẽ phù hợp với thể loại nhạc dân tộc nào. Sau đó anh Thịnh gợi ý hay thử hát ca trù đi. Ở lần thu âm tiếp theo, tôi hát “rặt” ca trù luôn. Tôi sử dụng giọng ngực và ngân rất nhiều giống như các nghệ nhân thường hát, thành ra phiên bản này hơi khó nghe đồng thời cũng không cộng hưởng với phần beat đã làm. Chúng tôi lại tiếp tục chỉnh sửa. Lần này, tôi vẫn hát theo kiểu ca trù nhưng đã tiết chế hơn một chút để làm mọi thứ trở nên hài hoà rồi chính thức ra mắt phiên bản cuối cùng.
Cơ duyên nào đã đưa Phương Mỹ Chi tới lớp thực tập sinh của DTAP vậy?
Tôi tham gia lớp thực tập sinh của DTAP khoảng hai năm trước. Thời điểm chưa hợp tác, tôi cứ nghĩ rằng nếu DTAP sáng tác cho mình thì chắc bài nào cũng sẽ hay. Thế nhưng thực tế lại không như tưởng tượng. Trước đây các anh từng gửi cho tôi một số ca khúc. Nghe xong tôi thấy hay quá nhưng không biết liệu mình có hát được như vậy không hoặc đột nhiên lại nhớ đến một ca sĩ khác chứ chẳng thể hình dung bản thân sẽ thể hiện bài nhạc như thế nào? Khi tôi bày tỏ suy nghĩ ấy, anh Thịnh bảo “bài nào em cũng không chịu vậy bây giờ sáng tác luôn đi”. Không phải anh nói lẫy mà là tâm sự thiệt tình. Việc tham gia lớp thực tập sinh cũng là một sự vô tình. Anh Thịnh bảo tôi vào học chơi cho vui, nếu biết thêm được thứ gì thì càng tốt. Vậy nên tôi học với tâm thế rất vô tư, giao lưu kết bạn. Tuy nhiên không ngờ lại phát hiện ra được một khả năng mà trước giờ chưa từng nghĩ bản thân có thể làm đó là sáng tác. Viết nhạc dân ca mà tôi còn không biết, huống gì là một dòng nhạc vốn rất xa lạ với mình.
Từ ngày gặp được những con người tài năng, tôi như mở mang nhiều thứ. Bên cạnh đó, tư duy âm nhạc cũng dần khác đi. Suốt hai tháng thực tập, ngày nào về nhà tôi cũng cảm thấy vui vì bản thân học được những điều mới và bất ngờ bởi không nghĩ mình có thể viết nhạc được. Chỉ qua một thời gian ngắn, tôi như tìm thấy một con người khác. Nhận bất cứ bài tập nào cũng cảm thấy thú vị, đó đều là những đề tài mở, ví dụ như “dưới đáy hồ bơi” chẳng hạn. Toàn những đề bài rất khó hiểu và chẳng hề liên quan gì đến dân ca. Nhớ lúc nhận đề bài làm nhạc Disco pha với Disney, tôi bối rối “ủa gì vậy? phải làm gì bây giờ?”. Nhưng có lẽ càng lắt léo thì sẽ cho ra những sản phẩm càng độc đáo. Đến hiện tại tôi đã viết được khoảng mười mấy bài rồi. Chủ đề thì nhiều lắm, tình yêu có, văn học cũng có. Nhưng thú thật tôi thích sáng tác về văn học hơn vì vốn rất mê môn Ngữ văn, đọc tác phẩm nào cũng thấy hay. Dù mê Văn vậy đấy nhưng tôi lại là người thích sáng tác giai điệu hơn nên thường xung phong đảm nhận phần đó bởi cảm thấy mình dễ “feel”, còn khi viết lời thì cứ bị cảm giác chung chung chứ không hay. Tôi cũng không giỏi chơi chữ nữa. Trong phiên bản hoàn thiện của bài “Vũ Trụ Có Anh” tôi không viết lời mà chỉ chỉnh sửa vài chỗ để khi hát lên không bị cưỡng âm.
Có vẻ Phương Mỹ Chi là người khá khắt khe với vấn đề ca từ bị cưỡng âm trong các bài hát nhỉ?
Có thể do tôi chịu ảnh hưởng từ khi hát thể loại dân ca và bolero. Khi hát nhạc quê hương, tôi thường phải trình bày sao cho thật tròn vành rõ chữ. Thậm chí nếu chữ nào có dấu ngã tôi cũng phải luyến xuống bằng được để rõ lời nhất có thể. Thói quen ấy đã ăn sâu vào trong tư duy của tôi rồi. Lúc nào cũng tự nhủ rằng một khi đã đứng trên sân khấu thì phải thể hiện làm sao để khán giả có thể nghe được mình đang hát cái gì. Nếu hát nhạc nhanh thì khán giả có thể nghe chữ có chữ không cũng được nhưng ít nhất họ phải hiểu nội dung khái quát của ca khúc ấy. Hát mà bị cưỡng âm thì ngượng miệng lắm. Chắc tôi khó tính nhất về vấn đề này.
Thị trường Việt Nam hiện tại cũng có rất nhiều nghệ sĩ hướng đến hình ảnh singer/ songwriter cũng như mang tới những sáng tác chất lượng. Bạn có thường xuyên theo dõi không?
Dạo này tôi thích nghe nhạc của anh Thắng (Ngọt). Tôi cảm thấy những câu hát anh Thắng viết ra nghe lạ lắm. Không biết anh ấy đọc từ sách nào hay từng có những trải nghiệm gì. Chắc phải yêu nhiều thì mới có thể viết được như vậy. Tôi nghe nhạc của anh MONO nữa, tôi thấy thích vì nghe rất cuốn (cười). Tôi nghĩ việc mang cá tính của mình vào âm nhạc thì anh MONO đang dung hòa rất tốt. Về nghệ sĩ nước ngoài, tôi thấy Billie Eilish là người viết lời rất hay. Còn Kpop thì tôi nghe khá ít nghệ sĩ, có bài hát nào nổi lên thì nghe chứ tôi không phải một fan Kpop chính hiệu. Tôi chỉ thích mỗi Black Pink.
Nói thật, từ lúc bắt đầu học trường quốc tế tôi mới bắt đầu nghe được nhiều thể loại nhạc. Trộm vía chắc tai tôi có thể phân biệt được cách người ta ngân, ngắt nghỉ hay hát nhạc Pop như thế nào để biết rằng mình không nên bỏ cái ngân của bolero vào mấy bài Pop. Tôi nghĩ đó cũng là lợi thế để bản thân có thể làm đa dạng các thể loại nhạc khác nhau mà không nhập nhằng hay bị trộn lẫn nhiều thứ.
Một bài hát như thế nào sẽ thu hút Phương Mỹ Chi?
Tôi thường bị ấn tượng và rất quan trọng việc những nhạc cụ nào đang được chơi trong các bài nhạc. Ví dụ như ca khúc “Shut Down” của Black Pink, khi nghe tiếng đàn violin vang lên là tôi thấy thích liền. Tự nhiên muốn đi học violin ngay và luôn. Tôi tự hỏi tại sao chỉ từ một nhạc cụ thôi mà người ta lại có thể sáng tạo nên những giai điệu hay đến thế. Trên con đường nghệ thuật đang đi, tôi mong muốn có thể khai thác các nhạc cụ dân tộc Việt Nam hoặc tìm hiểu thêm những nhạc cụ mà không nhiều người chơi để mang vào tác phẩm của mình. Tôi nhớ có một lần lướt internet thì vô tình biết đến một loại nhạc cụ là đàn đá. Nghe hay quá nhưng không hiểu sao chẳng thấy những âm thanh như thế xuất hiện trong các sản phẩm âm nhạc. Có thể chúng bị giới hạn về nốt nhạc hoặc gặp hạn chế điều gì đó chăng? Hay đàn nhị, đàn cò đều là những nhạc cụ rất hay nhưng vẫn chưa có nhiều nghệ sĩ tận dụng thì phải. Tôi thật sự rất muốn các nhạc cụ dân tộc hiện diện nhiều hơn trong âm nhạc hiện đại ngày nay.
Ngày xưa hát theo bản năng là chủ yếu, còn bây giờ khi đã làm nghệ thuật được 10 năm cũng như được học tập bài bản thì có những sự thay đổi nào đã diễn ra trong con người Phương Mỹ Chi?
Khác biệt nhiều lắm. Việc đi học thanh nhạc có thể xem là một cột mốc trong sự nghiệp của tôi. Tôi từng gặp khó khăn và tốn nhiều thời gian để dung hoà yếu tố kĩ thuật và bản năng của mình, đến bây giờ vẫn đang cố gắng học thêm. Giai đoạn còn hát bằng bản năng, chỉ 3 bài là tôi đã thấy mệt rồi. Cổ họng cảm giác rất rát và đau. Lúc đó ba Quang Lê mới dẫn đi gặp một người thầy để học thanh nhạc. Mà bấy giờ bị mọi người hù nhiều quá nên tôi và mẹ lại đâm ra… sợ. Người ta đồn rằng luyện thanh xong tôi sẽ không hát dân ca được vì giọng hát phát ra rất mạnh, giống kiểu opera. Họ còn bảo sau này cách hát của tôi cũng bị cứng, không luyến láy gì nữa. Thế nhưng không hiểu động lực ở đâu ra mà tôi vẫn quyết định đi học. Khi đến gặp thầy, tôi cũng bày tỏ sự lo lắng của mình. Khi ấy mới được giải thích là dù hát nhạc dân ca nhưng tôi vẫn phải luyện thanh giống như mọi người. Việc này để giúp giọng hát mình khoẻ, uyển chuyển hơn. Thầy sẽ dạy thêm nhiều kĩ thuật khác để tôi sử dụng khi hát nhạc quê hương. Đi học tôi mới phát hiện ra mình có mix voice. Kĩ thuật này sẽ hỗ trợ cho tôi lên cao không bị chói, nghe bị hừng hực và dễ cảm thấy mệt. Mọi người để ý sẽ thấy ít khi nào tôi hát nốt cao bằng giọng ngực vì phần này tôi còn hơi yếu và vẫn đang cố gắng khắc phục. Học được 2 đến 3 năm thì tôi tổ chức minishow đầu tiên ở một phòng trà. Từ 3 bài tôi đã có thể hát tận 13 bài. Vừa hát vừa giao lưu, mọi thứ diễn ra rất nhẹ nhàng. Nốt cao hay thấp tôi đều hoàn thành một cách tròn trịa. Ngay xưa thường hay sợ bị “oét” nhưng sau khi học thanh nhạc thì bản thân đã kiểm soát được. Bởi thế nên tôi mới gọi đó là một bước chuyển. Nhưng thật ra cũng không thể tránh khỏi những trường hợp mình xui (cười).
Tôi để ý thấy Phương Mỹ Chi nhắc đến cụm từ “thanh xuân” khá nhiều lần trong cuộc trò chuyện này. Bạn có biết chính mình cũng là thanh xuân của nhiều người khi đứng trên sân khấu và thể hiện các ca khúc dân ca, bolero?
Tôi không dám tự nhận là nhờ mình mà dòng nhạc dân ca hay bolero được sống lại, nhưng có thể tự tin rằng bản thân đã góp phần giúp khán giả có xu hướng nghe những dòng nhạc này nhiều hơn. Thời điểm đó có nhiều bạn fan nhỏ tuổi rất thích nghe tôi hát. Một số chương trình tìm kiếm tài năng nhí cũng bắt đầu nổi lên. Tôi thấy vui và hãnh diện vì ở những cuộc thi ấy nhạc dân ca cũng như bolero vang lên rất nhiều. Tuy nhiên điều này cũng vô tình khiến nhiều giọng hát bị đem ra so sánh với cái tên Phương Mỹ Chi. Hiện tại, chính tôi cũng đang trở thành nhân vật bị so sánh với người khác khi hợp tác cùng DTAP. Cảm giác này không hề thoải mái chút nào. Từng trải qua cả hai vị trí ấy nên tôi không khuyến khích việc so sánh, cũng chẳng muốn mình bị so sánh với ai cả.
Mất khoảng bao nhiêu lâu để Phương Mỹ Chi có thể ngồi trò chuyện thoải mái với truyền thông như thế này?
Tôi là người sống theo “tín hiệu của vũ trụ”. Nhiều khi cũng vô tư lắm. Điều gì đến thì tôi mới giải quyết. Còn thường thì hay suy nghĩ lan man hoặc trôi đi mơ màng. Để có thể bộc lộ cá tính hay có được sự tự tin như bây giờ chắc tôi phải cảm ơn khoảng thời gian chơi TikTok, hình như bắt đầu từ giai đoạn dịch bệnh và mọi thứ đều đóng cửa. Video đầu tiên mà tôi làm là nhép miệng theo đoạn âm thanh của nhân vật trong phim “Gia Đình Là Số 1”. Mọi người thấy thú vị vì chưa bao giờ nghĩ một Phương Mỹ Chi vốn hiền dịu mà lại có thể trở nên láu cá như thế. Lúc đầu tính chơi cho vui thôi nhưng nhiều khán giả thích quá nên tôi bắt đầu làm nhiều nội dung sáng tạo hơn nữa để thể hiện tính cách thật của mình. Tôi nghĩ việc cho công chúng thấy được con người thật là điều cần thiết. Trước đây dù là trên sân khấu hay ở ngoài đời tôi đều rất nhát nhưng từ khi sử dụng mạng xã hội thì tôi mới dần cởi mở hơn. Cho nên là, với riêng tôi, mạng xã hội đã mang đến những khía cạnh khá tích cực đấy (cười).
Cảm ơn Phương Mỹ Chi về cuộc trò chuyện!