Mặc dù là một trong những nhóm nhạc huyền thoại mỗi khi nhắc đến làn sóng Hallyu nhưng Super Junior cũng như những idol group khác, họ cũng có những trải nghiệm “lần đầu tiên” vô cùng khó quên. Tuy vậy, các dấu ấn này lại hình thành nên những cột mốc mà không phải ai cũng làm được, chẳng hạn như bản hit “Sorry Sorry” còn nằm dai dẳng trên BXH.
Khi nhìn lại chặng đường hoạt động hơn 10 năm, Super Junior đã có dịp chia sẻ về những sự kiện mà mình đã đi qua, trong đó có vài trải nghiệm không thể nào quên được. Cụ thể, trưởng nhóm Lee Teuk cho biết lần đầu tiên các thành viên cảm thấy mình là một phần của làn sóng Hàn là khi họ được mời đến biểu diễn tại “Pattaya Music Festival” ở Thái Lan vào tháng 3/2006. Mặc dù thời điểm đó dù chỉ mới ra mắt được 5 tháng nhưng nhờ độ phủ sóng của tiền bối đi trước như SHINHWA và H.O.T, Super Junior đã thu hút được sự chú ý của công chúng quốc tế một cách dễ dàng.

Shindong giải thích: “Người hâm mộ không chỉ đến vì hứng thú với một nghệ sĩ, họ hứng thú với cả nền âm nhạc Kpop”. Những fan đến xem buổi biểu diễn sẽ cầm bảng tên cổ vũ với một mặt được viết tên của nghệ sĩ này và mặt còn lại là tên nghệ sĩ khác. Tại thời điểm đó, chuyện gia nhập nhiều fandom khác nhau cùng một lúc rất dễ dàng được chấp thuận.
Nhưng chuyện thú vị hơn khi đó cũng là lần đầu tiên các thành viên đi máy bay ở độ tuổi vừa bước qua 20 và điều này khiến họ vô cùng hào hứng. Lee Teuk còn hài hước kể lại mẹo thời “thơ ngây” để bảo vệ kiểu tóc khi đi máy bay là đặt điện thoại vào giữa cổ. Mặc dù chỉ là những tân binh nhưng đã có rất nhiều người đến cổ vũ nhóm ở sân bay, fan còn phấn khích đến nỗi làm vỡ cả cửa kính.
Super Junior cũng là nhóm nhạc đầu tiên ở Kpop có mô hình hoạt động bằng cách chia nhỏ thành nhiều unit. Nhóm nhỏ đầu tiên từ trước đến nay trong lịch sử Kpop đó chính là Super Junior K.R.Y. – đội hình thành lập cho các ca khúc thiên về ballad với ba giọng ca chính gồm có Kyu Hyun, Ryeowook và Yesung. Sau đó, các nhóm nhỏ khác trong nội bộ nhóm như Super Junior-T, Super Junior-H, Super Junior D&E và Super Junior-M dần được hình thành. Cũng từ đây, SM Entertainment đã tiếp tục phát triển hình thức này sang những thế hệ idol tiếp theo.

Nói đến Super Junior thì không thể không nhắc đến việc bản hit nổi tiếng bùng nổ châu Á một thời – “Sorry Sorry” đã “oanh tạc” các BXH âm nhạc khắp khu vực như thế nào. Từ Thái Lan, Indonesia, Taiwan cho đến Nhật bản, không nơi nào không có sự phủ sóng của “Sorry Sorry”. Thậm chí, ca khúc còn trụ vững No.1 của BXH KKbox nổi tiếng tại Đài Loan trong suốt 36 tuần liên tục. Ngay cả khi các thành viên tạm ngừng mọi hoạt động, lên đường nhập ngũ và đến khi quay trở lại, ca khúc vẫn tiếp tục góp mặt trong BXH đến tận 175 tuần từ năm 2017 đến 2021. Chính các thành viên Super Junior còn vô cùng ngạc nhiên và không thể tin được một sản phẩm âm nhạc có thể trụ hạng lâu như thế này và không ngừng thốt lên rằng: “Chắc chắn là có vấn đề ở đâu đó. Làm sao có thể như thế được?”.
Các thành viên còn hài hước tiết lộ phản ứng của họ đã chia làm hai phe khi lần đầu tiên nghe “Sorry Sorry”. Trong khi Siwon và Donghae cảm thấy thích thú thì Shindong và Leeteuk lại vào “team” phản đối. Bởi trong năm 2009, Shindong nghĩ rằng những sản phẩm âm nhạc bắt tai bởi đoạn hook đã qua thời rồi. Nhưng với tư cách là thành viên đảm nhận vai trò nhảy chính, Eunhyuk lại muốn được diễn ca khúc ngay và luôn sau khi nhìn thấy vũ đạo được biên đạo bởi Nick Bass.

Thực tế thì phiên bản gốc của vũ đạo đã từng khó hơn rất nhiều so với các điệu nhảy mang tính biểu tượng mà người hâm mộ Kpop biết đến ở hiện tại. Nhà sản xuất tạo nên “Sorry, Sorry” đã yêu cầu đơn giản hóa mọi thứ hơn để mọi người có thể dễ dàng nhún nhảy theo. Bởi một ca khúc Kpop muốn trở nên nổi tiếng thì nhất định nó phải gắn liền với các bản cover dance và flash mob, nên càng dễ nhớ càng tốt. Từ đó, “Sorry Sorry” có thể được coi là sự khởi đầu của cơn sốt dance cover trên YouTube, một nền tảng đang phát triển vào thời điểm đó.
MV “Sorry Sorry” – Super Junior.