Thuật ngữ Kpop như fancam, dance practice hay ACE vốn đã trở nên gần gũi với bất kỳ một người hâm mộ nào, thế nhưng sự lạm dụng từ một số người dùng gần đây khiến ý nghĩa của chúng phần nào trở nên sai lệch.
Fancam
Nhắc đến fancam, hầu hết fan Kpop đều nhận ra “trong một nốt nhạc” vì thuật ngữ này vốn dùng để chỉ những video lưu giữ khoảnh khắc của thần tượng được ghi lại bởi chính người hâm mộ. Thế nhưng chỉ trong vài năm gần đây, fancam được các nhà đài lớn sử dụng rộng rãi. Họ đăng tải lên Youtube những thước phim tập trung vào một thành viên nhất định hoặc quay toàn cảnh cả nhóm mà không cần thêm thắt quá nhiều hiệu ứng như các phiên bản chính thức được chiếu trên truyền hình.

Không chỉ vậy, nhiều người dùng trên nền tảng Tiktok cũng bắt đầu tạo nên những phiên bản tổng hợp bằng cách cắt ghép, chỉnh sửa những video được phát hành bởi công ty hay nhà đài và gọi chúng bằng cái tên “fancam”. Vốn chỉ đơn giản là những thước phim do người hâm mộ quay lại, dần dần fancam lại trở nên sai lệch so với ý nghĩa ban đầu của nó.
Dance Practice
Một trong những điểm đặc trưng của Kpop chính là dance practice – video thực hiện vũ đạo được quay dựng tự nhiên. Bắt đầu từ bản ghi hình lại phút giây luyện tập vũ đạo mới của các idol, dance practice giờ đây còn là một hình thức khác nhằm mục đích quảng bá và đôi lúc có những video đã lên tới hơn trăm triệu lượt xem. Mục đích của dance practice là có thể mô tả lại chính xác vũ đạo để fan có thể học hỏi theo.
Với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, các công ty bắt đầu nỗ lực nhiều hơn nữa để sản xuất ra những phiên bản chuyên nghiệp nhất có thể, đặc biệt là trong cách điều khiển góc quay. Nếu các video ngày trước chỉ bao gồm một khung hình cố định và ít khi di chuyển, thì những phiên bản bây giờ lại có những góc quay linh động nhằm mang đến những thước phim chuyên nghiệp hơn. Thế nhưng theo nhiều bình luận, đôi khi những video chỉnh sửa lại mang đến cảm giác không thực tế, thậm chí là vô tình che khuất những động tác chân vốn rất quan trọng với các dancer.

ACE
Từ khóa “ACE” (át chủ bài) ban đầu được sử dụng bởi các phương tiện truyền thông Hàn để chỉ những thần tượng có khả năng hát, nhảy hoặc rap đặc biệt vượt trội so với mặt bằng chung của Kpop, có thể kể đến như Taemin (SHINee) hay Seulgi (Red Velvet)… Bản thân thuật ngữ này cũng đã mang ý nghĩa xuất chúng hay xuất sắc. Tuy nhiên trong những năm gần đây, người hâm mộ bắt đầu sử dụng nó để miêu tả những nghệ sĩ tài năng ở cả ba lĩnh vực cơ bản của một idol Kpop. Bên cạnh đó là những tài lẻ khác như thời trang, dẫn chương trình, game show… thay vì từ khóa “all-rounder” vốn được dùng để chỉ những người giỏi toàn diện.