Đến hiện tại các nghệ sĩ dường như không còn quá gay gắt khi nhắc đến chuyện ca khúc của mình được phối lại hay tăng nhịp độ trên TikTok.
Tầm khoảng thời gian này vào năm ngoái, thị trường Vpop đang tràn ngập những bản nhạc remix, thường được tăng tốc, giảm tốc hoặc mashup cùng bài hát khác với sự bành trướng mạnh mẽ của TikTok. Hầu hết những ca khúc viral trên nền tảng này đều là phiên bản đã được remix, speed up, chỉ gồm đoạn điệp khúc hay một hai câu hát bắt tai. Một điều dễ thấy chính là việc được phối lại và trở nên phổ biến góp phần lớn giúp sản phẩm được lan toả đến nhiều khán giả hơn, thậm chí là đưa những bài nhạc xưa cũ “hồi sinh” trở lại.
Nhưng song song đó, nhiều khán giả cho rằng cách làm này có quá nhiều mặt trái như khiến bản gốc bị lu mờ hoặc bị lãng quên hẳn khi công chúng đã quá quen thuộc với bản phối mới. Lúc bấy giờ không ít nghệ sĩ, nhạc sĩ, producer từng bày tỏ quan điểm không thích việc một bài hát cứ phải remix, speed up để nó viral cũng như khó gọi chúng là hit vì không để lại giá trị lâu dài. Có những ý kiến còn cho rằng việc các DJ/producer trên TikTok, YouTube tự ý biến đổi một bản nhạc là hành động thiếu tôn trọng “chất xám” và thành quả lao động của chủ nhân sản phẩm gốc.

Quay về hiện tại, có thể thấy nền công nghiệp âm nhạc giờ đây đã có cái nhìn cởi mở hơn về nhạc remix, speed up. Phó giám đốc chiến lược A&R của Universal Music Group chia sẻ với Billboard Mỹ: “Những bản remix này thật sự có thể làm nên những sự nghiệp và có thể tạo ra số lượt stream tăng vọt. Chúng là những cơ chế tuyệt vời để tăng trưởng. Hãng thu âm nào cũng đang phát hành chúng”. Được biết, các hãng thu âm lớn như nhà quảng bá trên thế giới đang chi trả cho các DJ/producer trên TikTok từ vài trăm đến hàng chục nghìn USD để remix các ca khúc và đăng chúng lên mạng. Họ xem đây là một phương pháp không thể bỏ qua để giúp sản phẩm đến được với nhiều khán giả hơn.
Hơn nữa việc khán giả chủ động kiểm soát, phối lại những giai điệu mình đang nghe cũng là một dấu hiệu nổi bật của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong âm nhạc. Tương tự như thời kì bùng nổ các bản cover trên YouTube vào những năm 2000 hay thời đại streaming phát triển mạnh mẽ trong khoảng một thập kỷ qua, tất cả đều góp phần giúp các hãng thu âm quyết định nên tập trung đầu tư quảng bá cho ca khúc nào, giúp các nghệ sĩ trẻ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận công chúng và đều xuất hiện nhờ các bước tiến trong công nghệ.

Theo đó, các chuyên gia nhận thấy các bản remix, speed up không làm lu mờ hay thay thế bản gốc, mà ngược lại chúng góp phần thu hút thêm sự chú ý của khán giả vào bản nhạc đó. Roneil Rumburg, nhà đồng sáng lập/CEO của Audius – một dịch vụ phát trực tuyến dựa trên công nghệ blockchain cho biết: “Trên tinh thần khám phá, chúng tôi thấy các bản phối lại đã đem một lượng truy cập lớn trở lại cho các bản nhạc gốc”. Một số ca khúc nhạc Việt gần đây nổi lên nhờ bản speed up nhưng vẫn mang về cho bản gốc lượng lượt nghe cao hơn có thể kể đến: “See Tình” (Hoàng Thuỳ Linh), “GIAYPHUT” (kidsai), “Pháo Hoa” (Phí Phương Anh, MiiNa, RIN9), “Buồn Không Thể Buông” (MiiNa), “Bất Bình Thường” (WHEE!), “Mặt Mộc” (Ân Nhi, BMZ), “Không Yêu Cũng Chẳng Cô Đơn” (Đỗ Hoàng Dương, Cody)…
Hiện tại, mặc dù không phải nghệ sĩ nào cũng có hứng thú tham gia cuộc đua remix, speed up nhạc, nhưng không thể phủ nhận rằng sự chối bỏ mà nền công nghiệp dành cho các bản phối này trong quá khứ đã dần phai nhạt theo thời gian. “Hai năm trước, tôi sẽ nói rằng chỉ có 5% hoặc 10% nghệ sĩ chấp nhận chuyện này. Nhưng bây giờ có lẽ tỉ lệ đã tăng lên khoảng 70%”, Nima Nasseri ước tính. Thậm chí, ngày nay khán giả có thể thấy những nghệ sĩ đón nhận trào lưu này bằng cách chủ động tung bản speed up chính thức cho ca khúc của mình lên các nền tảng trực tuyến, trước cả khi có ai đó làm việc này trên TikTok.