Ngoài kia chọn số đông Hà Lê chọn số 0 cho Trịnh Contemporary

Hà Lê cái tên rất quen thuộc của thế giới âm nhạc underground và gây ấn tượng với những verse rap cực ngầu là câu chuyện ai cũng thấy. Hà Lê nổi tiếng với khả năng nhảy và là một trong những biên đạo Hip-hop hàng đầu Việt Nam là câu chuyện ai cũng biết. Nhưng một Hà Lê trút bỏ hết nét bụi bặm vốn có để khoác lên mình bộ suit lịch lãm và trở thành người kể những câu chuyện tình của Trịnh Công Sơn thì đúng là… chuyện đó đâu ai ngờ.

Nhạc Trịnh vốn gắn liền trong tâm thức người yêu nhạc với những giai điệu tựa hồ một dòng sông lười đầy bình yên, nhưng ca từ lại chất chứa đủ đầy những nét buồn – vui, đau thương lẫn đẹp đẽ của cuộc sống. Người ta nghe Trịnh, là muốn tìm về nơi chốn an yên với những giọng ca như thủ thỉ, tâm tình, thầm thì nhẹ nhàng bên tai. Bởi thế, nhắc đến nhạc Trịnh là nhớ tới Khánh Ly, Hồng Nhung, Quang Dũng… Nhưng giờ đây, có thể định nghĩa về nhạc Trịnh dường như đã khác đi nhiều, ít nhất là trong tâm trí một người: Hà Lê.

Nếu bạn là một người đã trót yêu cách thể hiện chất liệu nhạc Trịnh theo kiểu “cổ điển” thì hẳn rồi, Hà Lê sẽ là người khiến bạn cảm thấy khó chịu nhất. Nhưng nếu bạn ưa thích những sáng tạo phá cách để có được một nhạc Trịnh mới mẻ và hiện đại thì yên tâm đi, Hà Lê sẽ là sự lựa chọn số 1. Những gì Hà Lê đang làm cũng lắm chông chênh và đầy rẫy sự mạo hiểm. Nhạc Trịnh đối với khán giả Việt vốn đã được xem như bức tượng đài, là một điều gì đó quá đỗi thiêng liêng và là thói quen thưởng thức âm nhạc đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Vậy nên làm mới nhạc Trịnh đã khó, khiến người yêu nhạc cảm được và “thấm” được nó lại còn khó hơn. Thảng hoặc, tôi hay nghĩ rằng Hà Lê rõ ràng giống như một người đi trên dây. Sợi dây đó mong manh hệt như ranh giới những giữa lời khen ngợi và chê bai, nếu không cẩn thận thì Hà Lê có thể ngã nhào bất cứ lúc nào.

Nhớ lại thời điểm Hà Lê ra mắt ca khúc “Diễm Xưa” được phối mới theo phong cách R’n’B nhưng vẫn phảng phất âm hưởng World Music hiện đại đã tạo ra những luồng bình luận trái chiều từ người yêu nhạc. Người khen thì nói rằng “bản phối quá hay đã đập tan những định kiến cứng nhắc về nhạc Trịnh” trong khi có người chê lại thẳng thừng phản bác “nhân danh sáng tạo để phá nát nghệ thuật” hay nặng nề hơn là “nghe chẳng ra thể thống gì cả”. Dù ai cũng hiểu khen chê là chuyện tất yếu nhưng chắc hẳn bất cứ nghệ sĩ nào khi nghe những lời nhận xét như vậy thì cũng không tránh khỏi cảm giác tổn thương, tuy thế Hà Lê lại có suy nghĩ khá tích cực. Anh tin rằng những bình luận tiêu cực như vậy sẽ là động lực để bản thân chứng minh với một bộ phận khán giả rằng nhạc Trịnh cần phải được làm mới để sống tiếp.

“Thế giới có trắng và đen, có đêm và ngày, có tốt có xấu thì chắc chắn kiểu gì cũng sẽ có những tích cực và tiêu cực. Mọi thứ khi được làm mới thì không thể nào được chấp nhận ngay lập tức. Chẳng phải tất cả đều cần có thời gian để đánh giá sao? Thêm nữa, có lẽ các bạn đã quên mất rằng thời điểm bác Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác thì bác là một người rất trẻ và những người ủng hộ bác ở thời điểm đấy cũng là những người rất trẻ. Bây giờ thì họ đều đã già đi rồi, chẳng lẽ các bạn không muốn có lớp kế cận ủng hộ âm nhạc Trịnh Công Sơn? Đối với tôi, nhạc Trịnh linh thiêng đến mức mình cần phải làm mới để âm nhạc này tiếp tục có một đời sống. Phải làm cho khán giả trẻ yêu lại nhạc Trịnh Công Sơn bằng những cách thể hiện mới mẻ và gần gũi. Đó là việc mà Hà Lê và các anh em cộng sự muốn làm”, Hà Lê chia sẻ.


“Cách tân” nhạc Trịnh thì Hà Lê không phải là người đầu tiên, nhưng mang nhạc Trịnh đến với một không gian khác đa màu, đa sắc hơn thì anh chính là người tiên phong cho hành trình này. Người ta đã quen lâu rồi với những thanh âm nhạc Trịnh mộc mạc cùng tiếng đàn guitar dịu dàng, thì ai mà không khỏi ngạc nhiên trước giọng hát giả thanh đặc biệt trong tiếng nhạc điện tử kết hợp nhạc cụ dân tộc mà Hà Lê từng thể hiện với “Diễm Xưa” và “Mưa Hồng”. Hà Lê có một cái nhìn của người trẻ không ủy mị, sầu não. Anh nhìn tất cả mọi thứ theo một cách đơn giản nhất, thoải mái nhất. Chính vì lẽ đó, sáng tạo âm nhạc của Hà Lê như tô vẽ lên những hình dung đã cũ vào nhạc Trịnh một mảng màu mới mẻ và tươi đẹp nhưng cũng không hề kém phần huyền ảo, ma mị.

Có thể nói, “Trịnh Contemporary” là dự án âm nhạc mà Hà Lê đã tốn không ít công sức để theo đuổi và cũng đặt ra vào rất nhiều xúc cảm. Với anh đó không chỉ là việc lựa chọn một con đường gian truân để khẳng định mình, mà còn là để giúp Hà Lê thực hiện niềm đam mê đặc biệt cùng với nghệ thuật. Sống cùng với dòng chảy của âm nhạc hiện đại, Hà Lê nhận thấy việc hòa âm phối khí, sáng tạo âm thanh, bè phối ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Chợt có một câu hỏi nảy ra trong tâm trí anh rằng, nếu những ca khúc của thập niên trước được làm lại theo cách của người trẻ bây giờ, được thổi vào đó hơi thở của những tâm hồn đương đại thì nó sẽ mang hình hài gì, màu sắc ra sao và đem lại cảm xúc như thế nào cho người nghe.

“Trước khi bắt tay làm mới nhạc Trịnh thì Hà Lê từng thử nghiệm với “Thành Phố Buồn”, một sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương. Bài hát đó được phối lại theo phong cách World Music kết hợp cùng nhạc điện tử, khán giả lúc nghe xong có cảm nhận rằng phiên bản mới này rất dạt dào cảm xúc, khác hẳn với màu sắc buồn bã não nề của phiên bản cũ. Điều đó khiến tôi thấy bản thân như được bước ra một không gian rộng lớn để tự do thể hiện cảm xúc của chính mình chứ không bị bó buộc những nội tâm ẩn vào bên trong nữa. Sau này, với mỗi bài hát thuộc “Trịnh Contemporary”, tôi luôn muốn mọi người khi nghe nhạc sẽ có cho riêng mình một không gian để mà nhắm mắt tưởng tượng, để mà du hành trong quãng thời gian 4 đến 5 phút đấy”, Hà Lê cho biết.

Nhạc Trịnh đối với Hà Lê có nhiều hơn một kỷ niệm, gắn liền với những ngày ấu thơ khi không được phép tự bật kênh tivi yêu thích mà chỉ được nghe những bài hát yêu thích của bà và mẹ. Tình yêu với nhạc Trịnh ngày ấy, của những người lớn đã vô tình gieo vào trong Hà Lê những kí ức đặc biệt. Đến bây giờ khi đã có đủ điều kiện theo đuổi nghệ thuật, anh quyết định phải làm mới chất liệu âm nhạc đó theo một cảm xúc chân thật nhất mà mình từng cảm nhận được. Anh khẳng định đó là những ca khúc mà mình thuộc nhất, thích nhất và khi hát lại tự tin nhất bởi một lẽ giản đơn, Hà Lê hiểu mình có thể đem những câu chuyện của bản thân vào từng nét nhạc giai điệu để rồi hát theo những cảm xúc đầy bản năng đấy.

Trên con đường mang tên “Trịnh Contemporary” đang đi, Hà Lê không hề đơn độc. Anh luôn cảm thấy “rất vui và may mắn” vì quanh mình vẫn còn những anh em cộng sự thân thiết lúc nào cũng ở bên. Đó là nhạc sĩ Hùng Nemo, nghệ sĩ đàn guitar Tùng Acoustic, hai nữ ca sĩ Khánh Linh và Bùi Lan Hương, đạo diễn Thành Đồng… cùng rất nhiều tên tuổi khác. Dự án này ẩn chứa rất nhiều tinh thần đương đại của Hà Lê và các anh em cộng sự bởi tất cả mọi người đều muốn mang những điều mới vào “Trịnh Contemporary”.“Trên tất cả, “Trịnh Contemporary” không phải chỉ của riêng Hà Lê mà là sự đóng góp của rất nhiều nghệ sĩ tuyệt vời”, nam ca sĩ tự hào khẳng định.

Sở hữu tính cách chỉn chu và kĩ lưỡng, Hà Lê có một thói quen khó bỏ khi làm nhạc là anh luôn tìm hiểu những câu chuyện phía sau mỗi ca khúc và từ những điều đã kiếm tìm được, Hà Lê bắt đầu xâu chuỗi lại. Quãng thời gian khi bài hát được sáng tác thì cuộc sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như thế nào, các mối quan hệ xung quanh ông đã diễn biến ra sao cũng như lý do gì để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ra những lời hát với ca từ nhiều ẩn ý như thế? Khi đã có sự nghiên cứu rồi, Hà Lê bắt đầu tự đặt bản thân mình vào từng chi tiết cảm xúc. Nếu ở thời điểm đấy, anh có đối xử với nhân vật như thế không, có yêu say đắm như thế hay tự ngẫm lại xem mình có từng cảm nhận những xúc cảm mãnh liệt như cách nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng.

“Ví dụ trong bài “Biển Nhớ” chẳng hạn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết một câu là “Trời cao níu bước sơn khê”. Thoạt nhìn thì tưởng đó là những danh từ chung với cách hiểu thông thường sơn (núi), khê (dòng suối nhỏ) nhưng thực tế đó lại tên của nhạc sĩ ghép với tên người con gái học cùng trường – Tôn Nữ Bích Khê. Đấy, ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có rất nhiều tầng nghĩa mà khi mình biết được rồi thì cách thể hiện ở trong từng chi tiết nhỏ sẽ trở nên tinh tế hơn, sáng tạo cũng mới mẻ hơn. Nếu không hiểu rõ cốt lõi những câu chuyện nhỏ phía sau mỗi bài hát như thế thì định hướng âm nhạc mình đưa ra công chúng sẽ bị sai. Ai cũng biết nhạc Trịnh có rất nhiều khán giả trung thành, âm nhạc thì được tạo nên quá đẹp đẽ đi cùng những thông điệp nhân văn ý nghĩa ở nội tâm bên trong nên mình không được phép làm sai. Mà nói thẳng luôn là không làm láo được”, Hà Lê nói.

Hai lựa chọn đầu tiên của Hà Lê để mở màn cho “Trịnh Contemporary” là “Diễm Xưa” và “Mưa Hồng”. Đây là những thách thức thật sự bởi trên thực tế bộ đôi ca khúc này đã trở nên quá quen thuộc với những khán giả yêu mến nhạc Trịnh. Nếu như ở bản phối mới của “Diễm Xưa”, Hà Lê và nhà sản xuất Nemo khai thác âm thanh của nhiều nhạc cụ như kèn, trống, tạo nên nét khắc khoải u hoài nhưng vẫn phảng phất âm hưởng World Music hiện đại thì với “Mưa Hồng”, anh đã cùng Tùng Acoustic mang đến những thanh âm của nhạc điện tử, đậm chất “chill”, trẻ trung và hiện đại. Chỉ qua hai sản phẩm âm nhạc, người nghe dường như đã bị cuốn theo Hà Lê đi đến không gian âm nhạc đậm chất dân gian, hoài niệm nhưng lại đầy thơ mộng và lãng mạn.

Trong quá trình sáng tạo ý tưởng cho “Mưa Hồng”, Hà Lê bỗng cảm nhận được một điều rằng, bài hát mà mọi người vẫn thường coi đó như là lời chia tay u buồn dành cho cuộc tình của nhạc sĩ thì thật ra ẩn chứa trong đó vẫn có sự vui mừng, hoan hỷ và đầy trân trọng. Bởi vì, dù không có được cái kết trọn vẹn thì hai người cũng chưa bao giờ hối hận vì đã dành tình cảm cho nhau, đã chia sẻ và cùng nhau đi qua quãng thời gian yêu thương ấy. “Khi quyết định làm mới “Mưa Hồng”, Hà Lê nghĩ phải làm để bài hát này bớt… buồn. Buồn mấy thì cũng chỉ dừng ở mức âm ỉ thôi còn thực tế ở đây là mình nên tiếp tục yêu, tiếp tục trải nghiệm dù có thể sẽ là sai lầm cũng được. Và sau mỗi cuộc tình qua đi thì mình nên trân trọng khoảng thời gian mà mình đã có với người ta. Tức là mình nên làm bạn tốt, nên giữ những kỷ niệm tốt về nhau và nếu có phải yêu một lần nữa thì chúng ta cũng đừng nên sợ hãi vì những đổ vỡ đã qua. Bài hát tên là “Mưa Hồng”, nghe “mưa” thì buồn thật đấy nhưng “hồng” thì chẳng phải rất đẹp đẽ sao? Tựa đề bài hát tạo ra cho mình cảm giác rằng đó đúng thật là một cuộc tình buồn nhưng lại rất đáng để trân trọng, để nhớ về”, Hà Lê chia sẻ về những xúc cảm của bản thân trong quá trình thực hiện sản phẩm âm nhạc mà anh đặt nhiều kì vọng.

Hà Lê vốn có một chất giọng giả thanh cao vút kết hợp với nét ma mị trong giọng hát của Bùi Lan Hương hòa cùng tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Nguyễn Quang Hưng, tất cả đã tạo nên một màn đối thoại về tình yêu dẫu có phần đau thương nhưng cực kỳ lãng mạn. Lý trí và cả trái tim đều mách bảo Hà Lê rằng Bùi Lan Hương là một Dao Ánh đích thực trong nét nhạc mà anh muốn thể hiện cùng “Mưa Hồng”. Nếu không phải Bùi Lan Hương thì hẳn cũng chẳng thể là ai khác.

Nhìn mọi thứ đã qua với Hà Lê, người ta tưởng rằng anh là một người may mắn khi có được tất cả những thứ mình muốn, nhưng như anh nói: “Không có một chiến thắng nào là dễ dàng cả!”. Cũng từng là một Hà Lê không có định hướng gì cho tương lai của mình, là một Hà Lê nghĩ rằng mình sẽ chỉ chăm chỉ mà theo học hết lớp chuyên sinh trường Amsterdam. Sau đó sẽ cố thi vào đại học Y, hoặc đại học tổng hợp để trở thành bác sĩ hoặc làm kinh doanh như mong muốn của gia đình. Là một Hà Lê bị phản đối kịch liệt theo đi theo nghệ thuật, nhưng so với đam mê to lớn của anh thì nỗi sợ chỉ là cỏn con. Hà Lê vẫn nhớ như in câu nói của một người bạn thân: “Thử thì chưa chắc đã được, nhưng không thử thì chắc chắn không bao giờ được!”. Nên là, được hay không thì vẫn cứ phải thử một lần cho biết. “Chiến thắng nào cũng trầy da tróc vảy, bạn phải đấu tranh để giành lấy nó chứ không bao giờ điều mình muốn lại tự đến một cách dễ dàng. Mà, những gì càng đến dễ dàng thì mình lại càng không biết trân trọng”, Hà Lê chia sẻ.

Bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp, mấy ai tin rằng Hà Lê sẽ thành công?

Họ chỉ thấy Hà Lê nhảy đẹp, Hà Lê rap hay chứ Hà Lê mà hát thì đúng là… chưa nghe tới bao giờ. Tất nhiên, Hà Lê hiểu những khó khăn đấy bởi để làm cho một ai đó công nhận khả năng của mình thì không thể chỉ là chuyện một sớm một chiều. Thế là Hà Lê đi học, như một cách để khẳng định bản thân mình. Học lại mọi thứ để gia cố giọng hát bản năng, biết điểm mạnh điểm yếu của mình là gì và cũng để nắm rõ từng kỹ thuật trong thanh nhạc sẽ được sử dụng như thế nào trong cách thể hiện mỗi bài hát. Học để được những người có chuyên môn truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức và để xác định được một vấn đề cốt lõi rằng, mình thực sự có năng khiếu ca hát hay không, Hà Lê nghĩ vậy bởi anh không bao giờ muốn mình tự tin đến mức tự mãn. Nhờ duyên nghề, sau đó cơ hội cứ dần đến, Hà Lê lại tự luyện thanh rồi dựa vào chính những gì đã được học để phát triển giọng hát của mình. Nhớ lại cái sự học những ngày “khởi nghiệp” ấy, Hà Lê thủng thẳng nói “Nhiều người hay nói là hát thì không cần kĩ thuật mà chỉ cần cảm xúc là chính, nhưng thật ra để đạt được cảm xúc đến mức độ đấy thì kĩ thuật phải rất là kinh khủng! Kỹ năng, kiến thức phải luôn trau đồi chứ nếu không có kỹ thuật tốt thì không thể nào điều khiển và truyền tải được xúc cảm như thế được”.

Cho đến bây giờ, Hà Lê vẫn giữ cho riêng mình một giấc mơ lớn, một điều mà anh rất mong muốn có thể làm được. Công chúng đã thấy “Trịnh Contemporary” của Hà Lê làm mới nhạc Trịnh theo phong cách R&B, điện tử, tích hợp với nhiều nghệ thuật khác như múa, thời trang… nhưng anh không muốn mọi thứ chỉ dừng ở đấy, Hà Lê mong có kết thúc đầy đẹp đẽ cho dự án này bằng một sân khấu hoành tráng theo kiểu nhạc kịch Broadway. Với khả năng sáng tạo của bản thân, Hà Lê tin vào những điều mình ấp ủ từ khi còn đi du học sẽ được thực hiện một cách chỉn chu bài bản, bởi anh là một người “nếu không làm được đến nơi đến chốn thì tốt nhất đừng làm”. Tuy nhiên, anh cũng khẳng định rằng mình không thể nào hoàn thành việc đó một mình. Ngoài nguồn lực tài chính, Hà Lê và các cộng sự vẫn đang miệt mài tìm kiếm những đối tác có nhã hứng với dự án của mình để hợp sức giúp cho nhạc Trịnh được lan tỏa và thể hiện dưới một khía cạnh khác hay hơn, vui hơn và nhiều kịch tính hơn.

Hà Lê từng chia sẻ: “Ước mơ của tôi là nghệ sĩ Việt được vinh danh ở các cuộc thi lớn, giải thưởng lớn trên thế giới”. Có lẽ chính điều đó đã khiến Hà Lê giữ cho mình nhiều những nỗi niềm trăn trở trong lòng. Anh cho rằng thị trường âm nhạc Việt Nam ở thời điểm hiện tại rất sôi động, phát triển rất nhanh, các nghệ sĩ trẻ thì bắt nhịp xu hướng của thế giới khá tốt nhưng mà nó cũng giống như “con dao hai lưỡi” bởi điều đó vô tình khiến bản sắc Việt đang không được rõ nét. Hà Lê quả quyết màu sắc Việt Nam mới là điều đặc biệt nhất và các nghệ sĩ trẻ cần lưu tâm nhiều hơn nữa trong tư duy làm nhạc, vì chính nét văn hóa dân tộc mới khiến khán giả thế giới nhận ra và nhớ tới.

“Giống như nón lá, áo dài và món phở vậy thôi. Phải là một cái gì đấy thật sự là của Việt Nam thì mọi người mới nhận diện được chúng ta trên thị trường quốc tế! Nếu như các bạn chỉ làm giai điệu, ca từ, âm thanh giống hệt nước ngoài thì việc gì người ta phải nghe âm nhạc của các bạn? Họ có rất nhiều những lựa chọn là các nghệ sĩ quốc tế đình đám ngoài kia mà. Gần đây mình có thấy một nhóm rap của Trung Quốc. Họ có một bài hát mang giai điệu chính được xây dựng theo lối hát hí kịch truyền thống trên nền nhạc Rap/ Hip-hop rất ấn tượng. Nếu mình đem được cái hồn văn hóa dân tộc vào phần giai điệu thì rõ là bài hát sẽ rất nổi bật. Bởi lúc đấy nó khiến mình phải nghe và không còn quan tâm là các nghệ sĩ đang thể hiện bằng ngôn ngữ nào. Mình cũng muốn làm sao để khán giả thế giới muốn nghe tiếng Việt, muốn hát tiếng Việt dù tiếng Việt của mình không hề dễ hát”, Hà Lê thẳng thắn chia sẻ góc nhìn âm nhạc của cá nhân anh.

Có những người làm nghệ thuật chỉ vì đam mê, vì yêu thích, nhưng với Hà Lê, ngoài lý do đó còn có một lý do khác, đó chính là muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng lựa chọn của mình là những điều xứng đáng để theo đuổi. Ví như với “Trịnh Contemporary”, thành hay bại là chuyện chưa ai có thể phán xét nhưng có một điều chắc chắn rằng, hình ảnh một nghệ sĩ với những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ trong âm nhạc của Hà Lê đã được công chúng công nhận. Ngay cả gia đình, những người từng phản đối quyết liệt đến mức không nhìn mặt nhau giờ cũng luôn ở bên cạnh Hà Lê, là chỗ dựa và là niềm động viên tinh thần to lớn như cái cách mà anh chia sẻ rằng “Thật ra, trong sâu thẳm thì bố mẹ nào cũng lo, mình hiểu câu chuyện nhìn thấy con mình đi ra lập nghiệp nhưng phải chật vật rất lâu mới có chút tên tuổi. Thêm nữa với vị trí của bản thân, khi mình làm nghề thì mình cũng nên nhìn nhận thực tế. Mình biết là mình đang ở đâu, mình đang như thế nào và quan trọng là cái đích đến Mình muốn đi đến đâu mới là điều quan trọng nhất”.

Hà Lê của sau ánh hào quang là vậy. Cứ trầm tĩnh, điềm đạm, lặng lẽ đi và lặng lẽ khám phá. Không có một con đường nào đến đích mà không trải qua vài đoạn gập ghềnh, vòng vo. Không điều gì có thể phá hủy niềm đam mê âm nhạc của anh và mọi khó khăn rồi cũng sẽ chỉ như những cơn gió thoảng trong đời. Hà Lê vẫn ở đó, tiếp tục ấp ủ những giấc mơ đẹp nhất và tỏa sáng theo cách đặc biệt của riêng mình.

Theo: Thể Thao & Văn Hóa http://billboardvn.thethaovanhoa.vn/ngoai-kia-chon-so-dong-ha-le-chon-so-0-cho-trinh-contemporary/