Giờ đây, các hợp đồng giữa nhà sản xuất và các nghệ sĩ đã được siết chặt hơn để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy đến. Bởi chỉ một nghệ sĩ vướng lùm xùm bạo lực học đường có thể dễ dàng “thổi bay” hàng chục tỷ Won (hơn nghìn tỷ đồng) chi phí sản xuất cho một dự án.
Chỉ trong vài năm gần đây, nền giải trí xứ Hàn đã có không ít thần tượng, diễn viên được gọi tên trong những vụ bê bối có liên quan đến bạo lực học đường. Dưới áp lực từ dư luận, nhiều nghệ sĩ đã phải chấm dứt sự nghiệp của mình. Thế nhưng công ty quản lý, nhà sản xuất hay đài truyền hình mới là những người đứng đằng sau phải gánh chịu phần lớn thiệt hại thực tế phát sinh từ scandal của nghệ sĩ. Chẳng hạn như với trường hợp nam diễn viên Ji Soo vào năm 2021, đoàn làm phim “Sông Đón Trăng Lên” đã phải ghi hình lại toàn bộ 18/20 tập phim cùng diễn viên khác sau sự rời đi của anh vì ồn ào bắt nạt bạn học cũ, khiến kinh phí bộ phim tăng vọt so với ban đầu.

Hơn nữa, những tranh cãi chủ yếu đều đã xảy ra từ nhiều năm về trước nên việc xác nhận hay chứng minh nghệ sĩ vô tội đều mất rất nhiều thời gian. Trước những nguy cơ khó lường, các nhà làm phim, nhà sản xuất đã đồng loạt bổ sung các điều khoản chi tiết vào hợp đồng khi hợp tác với các nghệ sĩ. Cụ thể từ lúc khởi quay cho đến khi lên sóng, nếu diễn viên gây tổn hại đến quá trình sản xuất thì sẽ bị loại bỏ khỏi tác phẩm và bồi thường thiệt hại cho ekip. Một quan chức trong ngành chia sẻ thêm: “Hợp đồng ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Vài năm trước không hề có điều khoản nào về trường hợp bạo lực học đường của nghệ sĩ, nhưng giờ đây đã được thêm vào”.
Không dừng lại ở các trường hợp bạo lực học đường, nhiều điều khoản yêu cầu bồi thường cũng đã được đặt ra nếu nghệ sĩ vướng vào những tranh cãi gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án như sử dụng chất cấm, lái xe trong tình trạng say rượu, tội phạm tình dục hay gần đây nhất là gian lận trong nghĩa vụ quân sự.