Ở trong thời đại mà số lượt xem MV đang ngày càng được chú trọng như hiện nay thì việc các nghệ sĩ thần tượng luôn tìm nhiều cách để đầu tư, chau chuốt video âm nhạc tốt nhất có thể là chuyện dễ hiểu. Điều này đã tạo nên nhiều lối quay MV thú vị, trong đó có một số kiểu đã dần trở thành đặc trưng của K-pop.
MV “đóng hộp”
“Đóng hộp” là cách ví von của người hâm mộ khi nói về những MV được thực hiện trong các studio, phim trường. Mặc dù đa số các nghệ sĩ K-Pop đều sử dụng lối quay này, nhưng trong mắt các fan thì MV “đóng hộp” đã trở thành “đặc sản” riêng của nhà SM. Nếu như một số công ty khác có sự đầu tư cho bối cảnh để liên quan với bài hát, thì các MV của công ty ông trùm Lee Soo Man lại bị đơn điệu, tiết chế và nhiều lúc chẳng kết nối gì với phần âm nhạc.
MV “Bonamana” của Super Junior là một “huyền thoại” khi nói về “chiếc hộp thần thánh” của nhà SM với bối cảnh không thể nào đơn giản hơn.
Ưu điểm của lối quay MV “đóng hộp” đầu tiên phải nhắc đến là tiết kiệm được chi phí. Hơn nữa, quay trong phim trường có thể được điều chỉnh bối cảnh sao cho phù hợp nhất. Ngoài ra khi quay trong nhà, nhà sản xuất sẽ không cần phải lo lắng về vấn đề thời tiết cũng như sự thay đổi về mặt thời gian (ví dụ: có những cảnh quay vào buổi sáng nhưng nếu quay hỏng phải đợi ngày hôm sau). Bên cạnh đó, quay trong nhà cũng tiện lợi hơn về mặt sức khỏe và an toàn cho thần tượng vì không chịu ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài.
Mặc dù cũng bị “đóng hộp” nhưng các MV của Red Velvet có thêm đặc trưng là được chèn nhiều hiệu ứng hoạt hình và công nghệ CGI khiến sản phẩm trở nên sống động hơn.
Tuy vậy, nếu đặt lên bàn cân 1 MV “đóng hộp” với 1 MV ngoại cảnh thì đa số K-Pop fan đều thích một sản phẩm được quay ngoài trời hơn. Điều đó sẽ mang đến sự tươi mới, cuốn hút hơn và đảm bảo có nhiều lượt xem hơn vì khán giả không bị cảm thấy nhàm chán.
MV ngoại cảnh
Đối lập với MV “đóng hộp” chính là các MV được thực hiện với bối cảnh ngoài trời. Đây là kiểu quay đang dần được ưa chuộng và xuất hiện ngày càng nhiều trong lứa thần tượng thế hệ thứ 3. Có khá nhiều không gian khác nhau để các nhà sản xuất MV lựa chọn, nhưng nhìn chung những bối cảnh ngoài trời xuất hiện nhiều nhất thường là khu phố, sân thượng, sân vận động và bãi biển.
“Party” là lần “chơi lớn” duy nhất của SNSD khi MV được quay ngoại cảnh tại tận bờ biển Thái Lan.
Việc quay MV ngoại cảnh sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ các tác động bên ngoài, tiêu biểu như thời tiết (mưa bão, quá nóng hoặc quá lạnh). Các vấn đề về di chuyển, ánh sáng, lắp đặt thiết bị cho khâu quay cũng sẽ phức tạp và đòi hỏi nhiều chi phí hơn. Ngoài ra, việc quay MV ngoài trời dễ dẫn đến câu chuyện bị rò rỉ trước nếu như có người trông thấy hoặc quay ở nơi đông dân cư. Đây là lợi thế mà việc quay trong studio hiếm khi gặp phải.
MAMAMOO là chủ nhân của chiếc MV được khen ngợi đẹp nhất K-Pop nửa đầu năm 2018 với “Starry Night”.
Thế nhưng ai chẳng muốn khi lên hình mình sẽ xuất hiện trong 1 bối cảnh thật sống động và xinh đẹp? Các MV ngoại cảnh luôn đảm bảo cho sự lung linh và khiến người xem có nhiều cảm hứng hơn. Vì vậy hầu hết các video âm nhạc được quay ngoại cảnh thu hút khán giả tốt hơn nhiều.
MV “storyline”
Đây là những MV được quay có cốt truyện và nội dung rõ ràng. Thông thường đây là kiểu quay MV ứng với các ca khúc theo đuổi thể loại ballad để phần hình ảnh có thể truyền tải đúng thông điệp mà ca khúc mang đến. Một số MV “storyline” nổi bật mà hầu như fan K-Pop đều biết đến như “Please Don’t” của K.Will hoặc “Don’t Say Goodbye” của Davichi.
Fan K-Pop thế hệ trước có lẽ ai cũng đã từng 1 lần sốc toàn tập với cú twist mà K.Will mang đến trong MV “Please Don’t”.
Thể loại MV “storyline” khiến người hâm mộ “phát cuồng” là những sản phẩm thuộc về T-Ara. Nhóm nhạc nữ đình đám một thời đã thực hiện một loạt MV với nội dung vô cùng kịch tính với hình ảnh không khác gì một bộ phim điện ảnh bom tấn. Sự đầu tư mạnh mẽ của girlgroup này khiến nhóm từng có thời gian được mệnh danh là “bà hoàng MV”.
“Cry Cry” là sản phẩm nổi tiếng nhất trong chuỗi MV mang màu sắc điện ảnh của T-Ara.
Tuy nhiên, để sản xuất 1 MV sở hữu cốt truyện và nội dung rõ ràng phải tốn rất nhiều chi phí và sự đầu tư. Đối với các MV ballad thường là của nghệ sĩ solo, chỉ có 1 người nên có thể bù qua lại với các khoản đầu tư cho trang phục, vì vậy nên hầu hết các nhóm idol không lựa chọn lối quay “storyline” để cắt giảm chi phí.
MV “visual” và MV “one-shot”
Đây là 2 kiểu quay MV ít gặp hơn tại K-Pop, phần lớn vì những tính chất đặc trưng trong lối quay của nó chỉ phù hợp cho 1 số nghệ sĩ hoặc ca khúc nhất định. “Visual” ngay từ cái tên đã khẳng định rằng đây là kiểu quay tập trung vào yếu tố thẩm mỹ, nhấn mạnh vào ngoại hình của người thể hiện. Những MV “visual” thường dành cho các nghệ sĩ solo nữ, ví dụ như “Gashina” của Sunmi hoặc “Four Seasons” của Taeyeon.
MV “Gashina” giúp Sunmi khoe trọn vẹn vẻ đẹp quyến rũ của mình nhờ các góc quay theo lối MV “visual”.
Trong khi đó, “one-shot” là lối quay từ đầu đến cuối, không có bất cứ sự chỉnh sửa hay thay đổi bối cảnh. Cách quay này đòi hỏi đạo diễn và camera man phải thực sự sáng tạo để đưa được mạch MV trở nên tự nhiên và hài hòa nhưng vẫn phô diễn được sức hút của thần tượng. Một số ví dụ nổi bật có thể kể đến như “Growl” của EXO hay “Save Me” của BTS. Đây cũng là kiểu quay được ưa chuộng mỗi khi các idol thực hiện MV phòng tập, tức “dance practice”.
“Growl” là MV nổi tiếng nhất của K-Pop được thực hiện theo lối “one-shot”.
Nếu như kiểu quay “visual” đòi hỏi nhiều sự đầu tư về bối cảnh và hiệu ứng thẩm mỹ thì “one-shot” lại có phần tiết chế và đơn giản hơn. Vì vậy tùy vào sản phẩm âm nhạc mà các nghệ sĩ và ekip sản xuất sẽ lựa chọn hình thức phù hợp nhất nhằm đảm bảo sự thành công cho MV khi được phát hành.