K-ICM chơi tất tay để mang nhạc Việt bước lên sân khấu thế giới, tại sao không?


Vừa qua K-ICM đã công bố những thông tin
về album “Hoa” cũng như dàn nghệ sĩ sẽ góp giọng
trong dự án lần này. Lý do nào khiến bạn
quyết định lựa chọn hợp tác cùng họ?
Thông thường khi nhắc đến nhạc ngũ cung mọi người sẽ nghĩ ngay tới những giọng hát có thể luyến láy được bởi vì nó mang đến sự hài hòa nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi muốn album “Hoa” phải khác hoàn toàn. Những nghệ sĩ trong dự án này không phải là giọng ngũ cung, ví dụ như Phương Thanh là dòng nhạc Rock, Đồng Lan có khuynh hướng nhạc Jazz, Bùi Anh Tuấn hay Trung Quân Idol thì thường làm về Pop Ballad… Họ đều là người có giọng hát thẳng nhưng chính điều đấy sẽ phụ trợ rất tốt cho dòng nhạc điện tử mà tôi muốn đưa vào. Khi đó, âm nhạc điện tử và giọng hát của các nghệ sĩ sẽ là một. Còn các nhạc cụ dân tộc Việt Nam thì hòa vào cùng giai điệu của ca khúc. Bốn nhân tố đó cộng hưởng lại với nhau, đi theo công thức của riêng K-ICM thì tôi nghĩ nó sẽ thành công.
Nghe thú vị nhỉ! K-ICM đã ấp ủ dự án này lâu chưa?
Kết hợp nhạc cụ dân tộc với nhạc điện tử là điều tôi mong muốn làm từ rất lâu rồi. Lúc nào ý tưởng cũng ở trong đầu nhưng thời gian trôi qua, đi cùng là công việc bận rộn quá nên chưa thực hiện được. Từ trước đến nay đa số các sản phẩm âm nhạc của tôi chưa mang đậm màu sắc EDM. Ví dụ như “Chim Quý Trong Lồng” cũng chỉ là ballad kết hợp với nhạc cụ dân tộc thôi. Nhưng với album “Hoa” thì tôi sẽ sử dụng những thể loại như Trap, Drum & Bass hoặc Dubstep để làm. Phải thuần nhạc điện tử luôn chứ không phải là ballad nữa. Tất cả các ca khúc trong album “Hoa” đều do tôi sáng tác hết. Mỗi bài hát sẽ có thanh âm của một loại nhạc cụ dân tộc đặc trưng được đưa vào và MV của các ca khúc sẽ được quay ở những địa điểm nổi tiếng, hiểm trở hoặc khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhất. Tham gia cùng tôi trong dự án này sẽ là những người kì cựu, am hiểu kĩ lưỡng về nhạc cụ dân tộc như Tiến sĩ – NSƯT Hải Phượng, nghệ sĩ đàn nhị Trần Văn Xâm.

Album trước là “Tôi 20” bạn chỉ phát hành
với phiên bản giới hạn 250 chiếc.
Lần này thì sao nhỉ?
Đợt này có kết hợp với nhiều nghệ sĩ khác nữa nên tôi cũng muốn sản phẩm được tiếp cận với nhiều khán giả hơn (cười). Tôi sẽ phát hành 1999 phiên bản đĩa CD và 127 phiên bản đĩa than. Sở dĩ có những con số này vì đây là ngày tháng năm sinh của tôi. Tôi không phải là người mang khuynh hướng sản xuất đĩa để kinh doanh bán được càng nhiều càng tốt mà chỉ muốn đó như là một dấu mốc trong sự nghiệp âm nhạc của mình thôi. Người hâm mộ khi sở hữu những chiếc đĩa đó, cầm trên tay sẽ thấy nó trở thành một món quà kỉ niệm cho thanh xuân của chính mình.
Ồ, không phải đa số các nghệ sĩ
khi phát hành album digital hay vật lý
thì đều để kiếm doanh thu hay sao?
Tôi sẽ làm tất cả mọi thứ ra tiền để đem tiền đó về làm nhạc. Ví dụ nhận làm nhạc, làm show, hòa âm phối khí để kiếm nguồn tiền đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc bản thân. Chỉ thế thôi chứ tôi không đặt nặng chuyện mình phải kiếm được bao nhiêu tiền từ các bài nhạc của mình. Như dự án album “Hoa”, các MV sẽ được thực hiện mà hoàn toàn không có bất kì một tài trợ nào cả vì tôi muốn vậy. Mặc dù nhãn hàng có tìm đến và muốn hợp tác nhưng tôi vẫn từ chối. Nguyên nhân là vì trong MV mang hình ảnh K-ICM và nghệ sĩ cũng như diễn viên đều mặc cổ phục Việt Nam, đồng thời xuyên suốt MV cũng là những khung cảnh hùng vĩ của đất nước nên tôi không muốn mọi người đang xem một cảnh thật đẹp rồi tự nhiên có khoảnh khắc quảng cáo xuất hiện, như vậy nó không hề phù hợp.
Làm MV mà có tài trợ thì mình cũng bớt lo lắng
về phần kinh phí hơn chứ?
Đã nhận làm nhạc cho nhãn hàng thì làm hẳn TVC hoặc một sản phẩm quảng cáo nào đó để cho nó thuần về quảng cáo luôn chứ không phải là MV cố nhét quảng cáo vào. Quảng cáo thì quảng cáo hẳn, còn nghệ thuật thì nghệ thuật luôn. Thông thường khi khách hàng đặt làm nhạc, tôi phải chia ra 50% theo ý mình và 50% còn lại theo ý của họ. Riêng những sản phẩm cá nhân thuần 100% ý tưởng của tôi và ekip thì tôi không muốn có bất kì một nhãn hàng hay sự kinh doanh nào trên đứa con tinh thần của mình. Ai cũng biết khi bỏ tiền ra tài trợ thì họ có thể can thiệp vào ý tưởng của MV, điều này làm cho chất lượng nghệ thuật sẽ bị giảm đi. Thế nên tôi không muốn ai can thiệp vào âm nhạc hoặc hình ảnh trong MV. Tính tôi nó thế. Hơn nữa, các sản phẩm âm nhạc lần này mang đặc thù khuynh hướng màu sắc âm nhạc dân tộc cho nên tôi nghĩ nhãn hàng tham gia vào cũng sẽ không thích hợp.

Có bài hát nào trong album mà
bạn đặt nhiều kì vọng không?
Nói về sự kì vọng thì không dành riêng cho bài hát nào cả mà là cả 6 bài trong album lần này. Tôi mong tất cả các ca khúc đều sẽ thành công bởi vì khi các anh chị nghệ sĩ đã nhận lời làm việc và dành nhiều tình cảm cho mình thì tôi thấy mình cũng phải có trách nhiệm nhất định với chừng ấy ca khúc, không có ưu tiên đặc biệt nào cả. Thành công ở đây không phải là phải lọt vào top trending hay đạt được lượng view nhất định mà tôi chỉ muốn tất cả các ca khúc sẽ được mọi người yêu mến khi ra mắt. Quan trọng hơn là cảm nhận được màu sắc âm nhạc ngũ cung của Việt Nam trong những sản phẩm này. Nó thực sự rất hay. Tôi rất hi vọng âm nhạc ngũ cung sẽ ngày càng tiếp cận được gần hơn đến với tệp khán giả Gen Z.
Tò mò một chút, không biết K-ICM phát hiện
ra mình đam mê nhạc cụ dân tộc từ khi nào?
Quê tôi ở miền Tây, tỉnh Sóc Trăng. Từ bé tôi đã được nghe ba hát Bolero, đa số các ca khúc đều có thanh âm của nhạc cụ dân tộc mình. Lớn lên tôi đi đánh đàn, đệm hát và cũng bắt đầu tìm hiểu dòng nhạc ngũ cung. Lúc đó tôi cảm thấy nhạc ngũ cung sao mà hay, mà “cuốn” và chất chứa nhiều cảm xúc đến thế. Ví dụ như cây đàn bầu, chỉ cần đánh một nốt lên thôi là nghe buồn lắm, buồn thê thảm luôn đó. Đàn nhị hay đàn cò cũng vậy, kéo lên một cái thôi là có thể cảm nhận được những hình ảnh của nỗi buồn da diết trong đó. Âm thanh của những loại nhạc cụ này có cảm xúc rất rõ nét và thường nghe nhiều quá là sẽ bị… thấm. Đó là chưa nói đến việc nước ta có rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác mà ít ai khai thác nữa, đàn đá của dân tộc Tây Nguyên là một ví dụ. Việt Nam có 54 dân tộc anh em mà, mỗi dân tộc chỉ cần gom lại vài nhạc cụ thôi là số lượng nó bao la lắm.
Bạn vừa thích nhạc điện tử lại vừa thích
nhạc cụ dân tộc thì nghe có vẻ trái ngược quá nhỉ?
Ngoài đời thì sao, tính cách của K-ICM có phần
trái ngược như vậy không?
Tôi hay khóc lắm. Nhạc cụ dân tộc ảnh hưởng đến tâm lý rất lớn, chỉ cần nghe một tiếng đàn kéo lên thôi là mình đã muốn khóc rồi. Cuộc sống của tôi không cà phê, không đi chơi… chỉ quanh quẩn trong studio và làm nhạc thôi. Tôi ít gặp gỡ giao lưu với các bạn trẻ, mối quan hệ chỉ có má Chanh, chị Văn Mai Hương, anh Dương Khắc Linh.
Khi ngồi trong studio tôi như ông già vậy đó, còn khi lên sân khấu để biểu diễn nhạc điện tử thì tôi lại là một con người rất khác, rất máu lửa.
Bạn có phải là một người khó tính không?
Khó trong âm nhạc thôi, còn mọi thứ bên ngoài thì rất dễ. Cho ăn cái gì cũng được (cười).
Tôi có thể ăn cơm với nước tương hay rau luộc cũng được. Nhưng trong âm nhạc thì nhất định nó phải là rau muống xào và cơm thì phải là cơm chiên dương châu. Tôi là người rất cầu kì trong âm nhạc mà theo đuổi dòng nhạc này thì bắt buộc mình phải khó hơn nữa.
Tôi tiếp xúc nhiều với các bậc tiền bối đi trước, đều là những người khó tính trong nghề nên cũng bị “lây” cái sự khó tính từ họ. Khi mình làm nhạc trẻ, mọi thứ rất thoải mái. Nhưng một khi đã bước vào con đường đam mê với nhạc truyền thống thì những câu đánh, tiếng đàn, tất cả mọi thứ phải đúng với bề dày lịch sử của Việt Nam. Bởi sẽ có những nốt khiến người nghe tưởng tượng ra đây là bản nhạc của Trung Quốc và cũng sẽ có những nốt mang đúng màu sắc của dân tộc mình.

Cũng nhạy cảm quá nhỉ? Nhưng tôi thấy phàm
cái gì quá “nhạy cảm” thì người ta sẽ né ngay
còn K-ICM thì cứ “đâm đầu” vào. Có phải không?
Đâm đầu vào là vì tôi có thể giải thích được mọi thứ, tôi biết mình đang làm cái gì. Thực ra là trong cái chuyện “giống” sẽ có rất nhiều thứ trong đó. Khi tạo ra một bản demo, tôi sẽ gửi cho tất cả mọi người trong ekip và nói “Mọi người nghe thử bài này đi, xem có giống bản nhạc nào không?”. Bài sắp tới của chị Văn Mai Hương nằm trong album “Hoa” cũng vậy, khi làm xong tôi cứ có cảm giác giống một bài nào đó thế là tôi tiếp tục đi gửi hết cho mọi người nghe, từ anh OnlyC cho đến quản lý của Vicky Nhung… Tôi gửi cho những người hay nghe nhạc nhiều và am hiểu về nhạc “Em cảm nhận bài này nó giống bài nào đó, mọi người có thấy vậy không?”. Mọi người bảo “Có thấy gì đâu”.
Bởi, tôi rất sợ chữ “giống”. Bản thân tôi không muốn ai nghĩ là mình đang đạo nhạc hay một điều gì tương tự như thế. Sản phẩm “Một Chiều Mưa Bất Ngờ” cũng thế, làm xong hết rồi, mọi người nghe kỹ hết rồi và thấy nó bình thường. Đến khi đăng đoạn demo lên, khán giả bảo nó giống một đoạn nhạc của T-Ara. Thế là tôi đổi luôn và viết lại bài sang hẳn một kiểu khác. “Ai Mang Cô Đơn Đi” cũng gặp trường hợp tương tự như vậy. Vừa phát hành xong thì vướng nghi vấn đạo một bài của Hàn Quốc. Tôi phải phân tích từng nốt, bài này có những nốt này, bài kia có những nốt kia và hai bài nhạc hoàn toàn khác nhau. Nói chung tôi rất kỹ trong vấn đề có thể “giống” vì mọi thứ hoàn toàn là chất xám, công sức và ý tưởng của mình nên khi bị nói là đạo hay gì đó thì cảm giác buồn vô cùng. Vì thế tôi hạn chế nhất có thể để không xảy ra những chuyện như vậy trong album mới. Thậm chí là nhờ các cô, chú chơi nhạc cụ dân tộc phải chơi đúng nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, phải là màu nhạc của Việt Nam thì tôi mới ưng ý.
Ngày nay khán giả họ cũng có những đòi hỏi
khác nhau đối với một sản phẩm khi thưởng thức mà.
Đúng vậy, khán giả bây giờ thật sự rất khó tính và và sự đòi hỏi trong các sản phẩm âm nhạc cũng rất cao. Ở những nền tảng như Spotify hay Apple Music, họ phải trả phí để nghe nhạc nên tôi đồng ý với điều mà khán giả muốn. Người ta bỏ tiền ra để thưởng thức một bài nhạc thì đương nhiên người ta cũng sẽ có quyền mong muốn sản phẩm đó phải nghe như thế nào. Tôi rất tôn trọng việc khán giả yêu cầu hoặc khán giả muốn vì như thế mình mới phát triển được.
Có nhiều người góp ý “K-ICM nên đổi cái này, cái kia đi” hoặc có những người lên chửi tôi luôn “Làm nhạc giống nhạc Trung”… nhưng mà tôi không buồn hay giận dỗi gì cả. Tôi đều lưu ý và cố gắng hơn nữa, làm sao cho các bài hát của mình trở thành đúng màu nhạc Việt Nam. Tôi luôn cố gắng để bản thân có thể tiếp cận và tiếp nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau của mọi người.
Ngoài dự án album, bạn còn có kế hoạch tổ chức
một liveshow cá nhân để chính thức giới thiệu
album “Hoa” đến người hâm mộ phải không?
Hiện tại các ý tưởng về liveshow đã hình thành đến đâu rồi?
Liveshow này của tôi sẽ mang concept nhạc điện tử, các bài hát được trình diễn ngày hôm đó sẽ là 6 bài nằm trong album “Hoa” kết hợp với set DJ điện tử. Những nhạc công chơi các loại nhạc cụ trong 6 bài hát này đều đánh live hết và nó sẽ là một mạch cảm xúc dài 2 tiếng không bị gián đoạn, có cao trào, có lên, có xuống. Về tổng thể thì chương trình sẽ kiểu như mini festival nhưng tôi muốn kết hợp thêm những bài hát vào để có cái gì đó mang tính dàn dựng nghệ thuật. Hi vọng có thể tạo ra một liveshow mà ở đó, khán giả sẽ thấy và hiểu rõ hơn về bản chất màu sắc âm nhạc thật của K-ICM.

Có sự xuất hiện của một khách mời đặc biệt nào đó
trong dự tính mà bạn có thể tiết lộ cùng
chúng tôi ngay bây giờ?
Hiện tại, theo kế hoạch sẽ có một nữ ca sĩ xuất hiện trong liveshow của tôi, đó là Jes. Cô ấy đã từng 3 lần được đề cử Grammy và từng hợp tác với Tiësto cũng như nhiều nghệ sĩ quốc tế khác. Trên tinh thần trao đổi thì Jes rất vui với dự án này và nếu mọi chuyện suôn sẻ thì Jes sẽ có mặt ở Việt Nam để cùng trình diễn tại liveshow của tôi. Thật ra mong muốn ban đầu của Jes là sẽ được tham gia vào album “Hoa” nhưng tôi bảo thôi (cười). Vì album này mang tính chất nhạc ngũ cung nhiều nên tôi nghĩ phần góp giọng của bạn sẽ không hợp lắm. Tôi có đề xuất với Jes là có thể cùng thực hiện một bonus track hoặc một sản phẩm riêng rẽ khác. Ngoài ra, dự kiến là tôi với Jes có thể sẽ diễn tại Ultra Europe luôn.
Tôi mới nghe bạn nhắc đến một trong lễ hội
âm nhạc điện tử đình đám trên thế giới – Ultra Europe.
Liệu người hâm mộ có thể chờ đón sự
xuất hiện của K-ICM tại đây?
Thật ra trong năm nay ngoài việc phát hành album “Hoa” thì việc có mặt và trình diễn tại mainstage của Ultra Europe cũng là một mục tiêu mà tôi đang hướng tới. Hiện tại tôi cũng đã nhận được thư mời và có những trao đổi với phía họ để có mặt trong những ngày tổ chức chương trình, vào khoảng ngày 6-7-8 tháng Bảy được tổ chức tại Croatia. Làm xong album “Hoa”, nếu có thể qua Ultra diễn thì lúc đó tôi sẽ chơi nhạc Việt Nam tại đó. Vừa đúng những gì mình đam mê mà lại còn là ước mơ lớn nhất. Có thể chơi một bản nhạc Việt Nam kết hợp nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại sân khấu của một lễ hội âm nhạc quốc tế là điều tôi vẫn luôn mong muốn. Bước tiếp theo nữa là năm nay tôi sẽ gửi hồ sơ để có mặt trong danh sách Top DJ Mag thế giới. Trước mắt thì đây là những dự định mà tôi mong muốn là mình có thể đạt được nhất.
Không biết cơ duyên nào đã đưa cái tên K-ICM
xuất hiện dự kiến trong dàn line up
của sự kiện Ultra Europe 2022?
Năm 2021, có một lần tôi được kết hợp diễn chung sân khấu với bộ đôi Plastik Funk – nghệ sĩ nằm trong Top DJ Mag. Sau buổi diễn đó chúng tôi có nói chuyện và hợp tác ra mắt sản phẩm mang tên “Give Me Your Love”, phát hành dưới trướng hãng đĩa Revealed Records của Hardwell. Sau màn bắt tay đó Plastik Funk trở về Hà Lan và giới thiệu tôi với đồng nghiệp bên đó. Thêm một cơ duyên nữa là ekip bên Ultra cũng quen biết với Plastik Funk và có một sự trùng hợp là ekip của tôi cũng đã từng nói chuyện với những bạn hỗ trợ cho sự kiện âm nhạc này. Trước đó họ cũng có “hint” với nhau là K-ICM sẽ xuất hiện tại sự kiện này nhưng không may dịch Covid-19 đợt vừa rồi bùng phát quá mạnh mẽ nên mọi chuyện bị hoãn lại. Sau khi tình hình ổn định hơn, mọi thông tin được kết nối lại và sẽ duy trì theo thỏa thuận ban đầu K-ICM sẽ trở lại với Ultra Europe.
Tuy nhiên, trước khi sự kiện chính thức diễn ra thì sẽ có những hoạt động bên lề để chuẩn bị cho bước ngoặt lớn là bước lên sân khấu chính. Nó mất khá nhiều thời gian nên ekip đang thương lượng lại với bên ban tổ chức để dàn xếp mọi chuyện suôn sẻ nhất có thể. Vì thời điểm sự kiện diễn ra còn lập cập nhiều thứ, song song đó là các kế hoạch của tôi ở Việt Nam cho nên hiện tại chỉ đang trên tinh thần là thỏa thuận với nhau để tạo ra một điều gì đó phù hợp cho đôi bên.

Việc K-ICM chơi DJ cũng như theo đuổi dòng nhạc điện tử
không phải là thông tin được quá nhiều người để ý tới.
Làm sao mà các đối tác nước ngoài có thể biết
đến bạn ở lĩnh vực này?
Thường thì khi tìm kiếm thông tin âm nhạc của K-ICM trên Youtube hay các nền tảng khác thì mọi người chỉ thấy những sản phẩm mang thiên hướng Pop nhiều hơn và nó không hề liên quan gì đến nhạc điện tử. Câu chuyện tôi chơi dòng nhạc điện tử thì chỉ có những người trong lĩnh vực EDM mới biết thôi. Bởi vậy, khi gặp các đối tác nước ngoài và tự giới thiệu “Tôi là K-ICM”, họ cũng lên mạng tìm kiếm những sản phẩm của tôi thì dĩ nhiên cũng không có sản phẩm nào liên quan đến dòng nhạc này. Sau này khi có vinh dự được trình diễn chung thì lúc đó họ mới thấy được năng lực thực sự của tôi là một producer về nhạc điện tử. Thêm nữa, tôi có thế mạnh về nhạc cụ dân tộc Việt Nam và đây là yếu tố điểm nhấn khiến các đối tác nước ngoài vô cùng thích thú. Ở nước ngoài, các producer trẻ tầm 15, 16 tuổi đã rất tài năng rồi, mà mình còn làm nhạc y chang họ thì nó là điều quá đỗi bình thường. Vậy nên nhạc cụ dân tộc Việt Nam chính là “signature” của tôi, khi nghe được những âm sắc này họ cảm thấy rất hào hứng và đó chính là điểm khác biệt của K-ICM.
Còn chuyện gửi hồ sơ đề cử Top DJ Mag thì sao?
Bạn đã tiến hành tới đâu rồi?
Được có mặt trong đề cử của Top DJ Mag là điều mà tôi mong muốn nhất từ trước tới giờ. Năm vừa rồi tôi cũng có hỏi thăm Plastik Funk về chuyện hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ có mặt trong đề cử của Top DJ Mag thì anh ấy bảo cứ ra sản phẩm đi, chuyện này không khó lắm đâu. Năm nay tôi sẽ gửi hồ sơ đi, khả năng sẽ có đề cử còn hạng bao nhiêu thì chưa biết vì nó còn tùy thuộc vào việc fan của mình có đủ mạnh không. Vì đề cử thuộc tầm thế giới nên mọi người cạnh tranh với nhau khủng khiếp lắm.
Thêm một chuyện may mắn nữa là tôi vừa kí xong hợp đồng với một quản lý người nước ngoài để họ lo cho tôi tại thị trường quốc tế. Ông ấy cũng là một nhân vật nổi tiếng trong giới EDM. Cũng như bao người nước ngoài khác nghe về nhạc của tôi, ông ấy rất thích yếu tố nhạc cụ dân tộc. Đó là một điểm riêng mà không nhiều nghệ sĩ nước ngoài có màu như vậy. Có một nghệ sĩ quốc tế là KSHMR, người này mang sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc Ấn Độ và nhạc điện tử thì K-ICM sẽ là một nhân tố làm ra được sự kết hợp giữa nhạc điện tử và nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nó sẽ là một cái đặc trưng riêng không bị lẫn lộn vào bạn DJ nào khác.
Trên tinh thần kế hoạch này sẽ chạy dài suốt năm 2022, tôi mong là sẽ thò được nửa bàn chân ra thế giới để mở mang tầm mắt hơn (cười). Năm 2022 tôi sẽ học hỏi là chủ yếu, còn sau đó có đi diễn hay không thì tính sau.


Để đặt được “nửa bàn chân” ra thế giới
cũng phải chuẩn bị nhiều thứ lắm đấy!
Đúng vậy! Tôi phải lên nhiều ý tưởng bởi con đường bước ra quốc tế không hề đơn giản như việc chỉ cần người giới thiệu hay bỏ tiền để được đi diễn ở sân khấu quốc tế. Ở nước ngoài họ không nhận tiền để đưa bạn lên sân khấu trình diễn, nếu có trường hợp này xảy ra thì một là lừa đảo, hai là những lời hứa hẹn suông. Cần một chặng đường rất lớn để bước được lên sân khấu quốc tế. Chưa kể với những người hâm mộ của mình, tôi cũng phải suy nghĩ làm sao để chuyển hướng cho họ nghe những thể loại nhạc khác hơn hay thói quen nghe nhạc trên các nền tảng nhạc số hiện tại.
Một điều nữa là cá nhân tôi cũng tạm ổn về mặt thành tích như các giải thưởng, sự ủng hộ đông đảo của fan trên nền tảng nhạc số hay đạt được lượt stream trên các nền tảng này. Tôi đã từng được vào dàn line-up tại mainstage của Legends Festival, lễ hội quy tụ nhiều DJ và producer nổi tiếng, trong đó có Dimitri Vegas & Like Mike, Zico của Hàn Quốc nữa nên cũng dễ dàng hơn khi thảo luận cũng các đối tác nước ngoài.
Hiện tại tôi không cần phải lo cơm ngày ba bữa, lo ngày mai mặc gì hay ăn gì nữa vì đã có một cuộc sống ổn định hơn. Tôi chỉ tập trung vào âm nhạc và suy nghĩ làm sao để biến ước mơ của mình thành hiện thực, để những sản phẩm mang âm hưởng nhạc cụ dân tộc Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn nữa. Khi tìm hiểu về thị trường âm nhạc Trung Quốc và Ấn Độ, tôi thấy họ thường sử dụng nhạc cụ của đất nước họ để cho vào sáng tác nhưng ở Việt Nam thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi nghe Bolero mọi người sẽ thấy được đàn tranh, sáo, bầu.. nhưng dòng nhạc đại chúng thì rất ít. Nếu làm nhạc vui tươi, theo trend thì dễ viral hơn nhưng tôi vẫn quyết tâm đi theo con đường này mặc dù biết nó còn rất nhiều khó khăn. Đơn giản vì điều mà tôi muốn làm không chỉ là một bài hát mà còn là một sản phẩm âm nhạc mang tính nghệ thuật cao.
Nếu vậy thì việc phát hành nhạc của bạn
cũng sẽ thay đổi đôi chút phải không?
Ngay cả việc hướng khán giả theo dòng nhạc
mà mình muốn theo đuổi vì rất ít người biết K-ICM
đang dành nhiều tâm huyết cho nhạc điện tử?
Nếu từ màu nhạc Pop quen thuộc mà đi thẳng lên EDM thì sẽ rất dễ bị gãy khúc, bị mất fan và làm cho mọi người cảm thấy chán nên trước mắt tôi sẽ thay đổi từ từ. Nghĩa là trước đây mình kết hợp nhạc cụ dân tộc với nhạc Pop hay Ballad thì bây giờ mình sẽ cho nhạc cụ dân tộc kết hợp với EDM. Màu nhạc EDM này là khán giả Việt Nam vẫn còn nghe được, thuộc dạng gọi là dễ nghe còn sau đó về lâu về dài thì sẽ chuyển biến màu nhạc đó hẳn luôn. Giả dụ như bài không thành công thì tôi sẽ chia rõ ranh giới luôn, là làm nhạc riêng cho khán giả Việt Nam nghe và làm nhạc riêng để đi diễn ở quốc tế để tạo ra hai thị trường khác nhau.
Tôi may mắn là có FC ủng hộ hết mình, các bạn rất nhiệt tình và chịu khó stream nhạc. Để đạt được con số 1 triệu stream trên Spotify là điều không hề dễ dàng mà. Thành tích Top 1 của Spotify là cột mốc mà tôi không thể tưởng tượng được.

Và đây cũng là nguyên nhân vì sao cái tên K-ICM
xuất hiện trên hai bảng xếp hạng của Billboard Việt Nam
trong nhiều tuần đúng không?
(Cười) Hôm trước đi họp báo công bố bảng xếp hạng của Billboard Việt Nam, tôi nhớ có một bài hát đã phát hành từ rất lâu rồi nhưng mà vẫn thấy trên Top 100 của bảng xếp hạng. Thật sự là quá bất ngờ. Hiện tại các bài nhạc của tôi mặc dù ra mắt đã khá lâu, ví dụ như “Chim Quý Trong Lồng” nhưng mọi người vẫn stream rất nhiệt tình, đến nỗi mà tôi… ngại luôn. Tại bản thân mình sợ tạo ác cảm với người khác. Một bảng xếp hạng như vậy mà có tới mấy bài của K-ICM và mọi người đặt ra rất nhiều câu hỏi là tại sao. Mặc dù lượng stream của các bài hát đó trên Spotify vẫn tăng rất khủng khiếp.
Fan của K-ICM stream nhạc nhiều chứng tỏ
là tư duy của họ về các nền tảng nghe nhạc
cũng có sự thay đổi?
Khi đặt mục tiêu đánh về thị trường quốc tế thì tôi hiểu rằng Youtube không khiến mình đi xa. Khi đàm phán hay trao đổi với các đối tác nước ngoài họ luôn hỏi bài của bạn được bao nhiêu lượt stream hay vào được top mấy của Spotify chứ không ai đề cập đến Top Trending. Chính Youtube cũng nhận ra điều đó cho nên sau này họ mới tạo ra thêm mục là Trending Music chứ trước đây thường bị gom chung lại, các sản phẩm âm nhạc phải cạnh tranh với Vlog, Parody hay video mang nội dung khác và dẫn đến kết quả là không thể hiện được rõ tính chất của các bài hát. Từ những điều này, tôi nghĩ là mình nên chuyển sang những nền tảng số thuần về âm nhạc như Spotify, Apple Music, Deezer. Từ đây, fan của tôi cũng dần dần chuyển hướng theo. Bên Spotify bảo là lượng truy cập để nghe nhạc của tôi rất “khủng”. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, khi xem số liệu xong thì tôi thấy con số mà mình đang có còn nhỏ bé lắm nếu so với nước ngoài. Vì thế để chuẩn bị hành trang đi ra được thị trường quốc tế thì tôi phải cần nhiều thứ hơn nữa, đặc biệt là phải có thêm khán giả trên thế giới chứ không đơn giản là chỉ ở Việt Nam.
Nếu tóm gọn năm 2022 cùng những dự định táo bạo
của mình trong một cụm từ, K-ICM sẽ muốn nói gì?
Bán nhà chơi luôn! (cười) Ngoài album “Hoa”, cuối năm nay tôi cũng sẽ cho ra mắt những sản phẩm đã ấp ủ rất lâu rồi nhưng chưa “bung”. Tôi đã dành nhiều năm cho nó, cũng đã có lúc muốn phát hành nhưng cuối cùng lại thấy nó chưa chín muồi. Năm nay tôi cũng 23 tuổi rồi, nếu bây giờ không làm thì bao giờ mới làm.
Cảm ơn K-ICM về cuộc trò chuyện này!
Bài viết: Minhlagogi
Thiết kế: LL
