Trang chủ Tin tức Phỏng vấn độc quyền Đồng Lan: “Nếu một ngày không còn việc gì thú vị để...

Đồng Lan: “Nếu một ngày không còn việc gì thú vị để làm, lúc đó ngừng thở được rồi”

Ánh Trâm |

Design| Trần Vinh

Nếu search một vòng trên google với từ khóa “Đồng Lan là ai?” thì hẳn sẽ có rất nhiều “định nghĩa” về cô ca sĩ này. Có người bảo “Đồng Lan là người thức dậy với những giấc mơ”, “Đồng Lan là bông hoa lạ giữa showbiz Việt” hay họ giải thích về cái tên Đồng Lan được chiết tự thành “cánh đồng hoa”. Nhưng tôi nghĩ sau ngần ấy thời gian, các mỹ từ dùng cho Lan đều đã đủ và có lẽ chính cô cũng cảm thấy điều đó. Mặc cho bao người chen chân vào thế giới showbiz rộng lớn, Đồng Lan chỉ lắc đầu, bước ra vì cảm thấy… chán. Trong hành trình của mình, cùng với âm nhạc, điều Đồng Lan chọn là tự do, là có thể lang thang khắp đó đây và nghêu ngao những khúc ca mình yêu thích. Có lẽ vì thế, cô lại tiếp tục xách vali lên và đi, nhưng lần này là sang tận trời Tây.

 

Tự nhận mình là một người “điếc không sợ súng”, Đồng Lan luôn cố gắng làm những điều mình thích và đến những nơi mình muốn cùng ý niệm “cứ đi sẽ đến, cứ tìm sẽ thấy”. Đó là lý do dù một mình một ngựa, cô vẫn thoải mái và tự tin bay đến nửa kia bán cầu để thực hiện những điều trái tim mách bảo. Nói theo cách của nhạc sĩ Bảo Chấn – người đã cùng Đồng Lan thực hiện album “Maison De Dong Lan” (Tạm dịch: Ngôi nhà của Đồng Lan) thì chính là “háo hức đi tìm sự bí ẩn của giai điệu”.

 

 

Cuộc sống hiện tại của Đồng Lan diễn ra như thế nào giữa những ngày tháng này, khi mà mọi thứ đều xoay vần cùng với đại dịch toàn cầu?

 

Lan cũng xoay cùng toàn cầu thôi, chỉ khác là … xoay quanh một chỗ.

 

Vì sao Đồng Lan lại quyết định đưa chủ đề trầm cảm vào trong ca khúc “Đừng Yêu Một Mình”?

 

Lan muốn mời khán giả ” nhúng” chân vào tận sâu những cảm xúc của tình yêu, khát cháy và giằng co trong giấc mộng yêu không thành. Dẫu cuộc tình ấy có đi qua thì dư âm để lại là thật, là một phần máu thịt của quãng đời. Lan muốn khán giả đối mặt, lấy chính “phần tối” trong mỗi người để cảm nhận và trân quý tình yêu hơn. Một phần bản chất của tình yêu đâu phải lúc nào cũng muốn được ve vuốt vỗ về thủ thỉ. Và “phần tối” đó cần được “kích động” thẳng vào dây thần kinh để dẫu có từng khổ đau ta vẫn lại muốn yêu thêm những lần khác nữa, nâng niu chính cả nỗi đau. Còn biết yêu còn biết tồn tại vì nhiều người đã chết khi còn đang thở.

 

Có thể nói, ca khúc mới này là một sản phẩm “ngốn” nhiều thời gian nhất của Đồng Lan nhất, 6 năm đã trôi qua tính từ thời điểm sáng tác năm 2014. Trong 6 năm đó, “Đừng Yêu Một Mình” đã có những sự thay đổi như thế nào từ lúc thành hình đến lúc chính thức phát hành, khi bên cạnh chị đã có thêm những cộng sự như Benjamin James, Manny Tran và La Zung?

 

Lan có lúc ngồi xem MV và nghĩ. Ca khúc này được hình thành, thai nghén bằng tình yêu, sinh ra và lớn lên theo năm tháng bằng tình yêu nhỏ với những tình yêu khác, chính là những cộng sự “tâm đầu ý hợp” để lớn lên, tới một lúc cảm thấy đủ lông cánh thì “tung cánh”. Nếu Mr. Music là chồng thì những ca khúc là những “đứa con tinh thần” kỳ lạ, mỗi một đứa con có một câu chuyện, một số phận thật khác biệt và khán giả chính là những người sẽ nuôi nấng chúng suốt quãng đời còn lại.

 

 

Có khá nhiều khán giả dành cho bài hát này là ma mị, là nồng nàn, là ám ảnh. Còn bản thân Đồng Lan thì sao, bạn đã bao giờ có cảm giác ảm ánh với sự “một mình” chưa? “Những ngày buồn và những ngày vui đó” đã trải qua như thế nào?

 

Chúng ta thường lẽ hay sợ “một mình”, Lan cũng chính vì vậy đã học cách yêu cả cảm giác một mình này. Chính lúc tận hưởng nó là lúc Lan ngộ ra “đừng yêu một mình”, sẽ đẹp biết bao nếu có thêm những trái tim đồng điệu để chia sẻ. Yêu một mình để an toàn hơn ? Hay chính chúng ta đang tự nhốt mình trong một sự nguy hiểm cô độc? Chúng ta có khi nào thực sự an toàn? An toàn cũng lại thực sự là một khái niệm nhàm chán. Vậy đó, cuộc sống là cuộc tranh đấu.

 

Bài hát này như cách nói của bạn là ‘hơi “khó”’. Bạn có thể định nghĩa cụ thể hơn từ “khó” ở đây là như thế nào?

 

Lan nghĩ giai điệu bài hát thì không khó nghe nhưng cách thức truyền tải thông điệp bằng ngôn ngữ hình ảnh của MV thì không dễ để cảm nhận chút nào. Tuy nhiên, khi ra mắt ca khúc được đón nhận ít nhiều sự quan tâm của khán giả, Lan cảm thấy một từ thôi, đó là “sướng”.

 

Được biết hiện tại Đồng Lan đang du học tại Pháp. Quyết định rời quê nhà đi đến Pháp, tìm đến một vùng đất mới để học tập và làm việc có giống như ngày mà bạn rời Bắc vào Nam lập nghiệp không?

 

Cảm ơn câu hỏi làm Lan nhớ lại cảm giác ngày đầu “điếc không sợ súng”. Một mình một balo vào Sài Gòn xem xứ hoa lệ này có gì vui không. Bỏ hết lại công việc, bạn bè, những gì đã gây dựng và làm một cuộc “xê dịch” mà đâu biết nó sẽ là bước ngoặt cuộc đời, cứ đi sẽ đến, cứ tìm sẽ thấy.

 

Trước khi học thuộc các lý thuyết thì Lan đã “hành động” rồi. Lan biến những trải nghiệm đó rút thành lý thuyết cho mình. Lần này cũng không có gì khác, vẫn “điếc không sợ súng”. Cũng thật sự trùng hợp là Lan ở Hà Nội khoảng 9 năm rồi vào SG cũng khoảng 9 năm lại rời đi. Không biết “cuộc đi” này sẽ cho một con số nào khác nhưng cũng lại cùng một “lý sự”: ở đâu lại chẳng giống nhau vì mình vẫn ế, vẫn một mình, không có gì đặc biệt để níu đôi chân mọc cánh này. Lan lại bắt đầu nhảy những điệu nhạc mới trên con đường chưa biết sẽ dẫn tới đâu.

 

 

Quyết định lần này đang mang đến cho chị những trải nghiệm thú vị ra sao cho cuộc sống, âm nhạc và cả cảm xúc của chính mình?

 

Trước hết là một sự khó khăn vô cùng thú vị. Khác biệt ngôn ngữ, khác biệt văn hoá, khác biệt cả mùi vị của khí trời. Bài tập, bài học quá căng, thầy cô bắn tiếng Pháp vèo vèo, có khi ngồi mấy tiếng nhưng đầu thì chẳng hiểu mọi người đang nói gì. Hệ thần kinh rơi vào trạng thái hoang mang cộng với việc duy trì lịch bay, lịch diễn để có chi phí trang trải ăn học.

 

… Sập nguồn! Đã có lúc mở cửa bước vào nhà và đổ sụp suống sofa mà khóc toáng lên gọi mẹ. Lúc ấy thèm một bờ vai vững chãi biết mấy, nhưng lì nên lại tự mình đứng lên làm một ly trà gừng mật ong hoa hồng. Lại lẩm nhẩm “La Vie En Rose”, ca khúc đã giúp mình đưa chân tới nước Pháp.

 

Đâu là khoảng thời gian khó khăn nhất của chị từ khi đến sống và học tập tại Pháp?

 

Lan mới nhập học từ tháng 9/2019, thời gian đầu nhiều khó khăn nhất là bay xa chạy show, cúp học nên khi trở về thì phải đuổi theo tiến độ của lớp, đúng kiểu vắt chân lên cổ. Bây giờ đại dịch, show huỷ hết, có thời gian hơn để nghỉ ngơi thì lại chạy với lo âu mai mốt lấy tiền đâu trang trải học hành. Đời mình cứ đuổi bắt chính cái bóng mình. Tới khi bắt được rồi lại thấy cần phải chơi một cuộc đuổi bắt mới. Nếu một ngày không còn việc gì thú vị để làm, lúc đó ngừng thở được rồi.

 

 

Vừa qua, sự ra đi của danh ca Christophe – một trong những người bạn nước Pháp của Đồng Lan chắc hẳn cũng để lại trong chị ít nhiều những nỗi buồn. Đối với Đồng Lan, người đàn ông này đã truyền cho chị những nguồn cảm hứng như thế nào?

 

Nếu nhạc Pháp đưa chân Lan tới với nước Pháp xinh đẹp thì Christophe khiến Lan cảm giác mình chạm tới trái tim nước Pháp. Người Pháp nói, ngày ông mất nước Pháp như mất một phần tâm hồn vậy. “Aline” là một ca khúc Lan hát khắp các phòng trà Hà Nội ngày còn chưa làm ca sĩ chuyên nghiệp. Một cái duyên quá lớn khi được hát chung sân khấu với ông trong một chương trình từ thiện ở nhà hát Hoà Bình tại Sài Gòn. Không tin sẽ có một ngày gặp lại ông ở Paris và được ông thương quý mời tới nhà, tới studio của ông. Christophe còn nói nếu đến Paris không có chỗ ở thì cứ ghé ở nhà, vì ông cũng đón tiếp bạn bè khắp nơi như vậy.

 

Một người đàn ông tử tế, hào hiệp và đầy cảm hứng bởi ông không bao giờ ngừng thử nghiệm, khám phá mới trong âm nhạc dù đã ở tuổi 74. Tour lưu diễn và kế hoạch ra mắt album trì hoãn vì đại dịch đã mang ông đi. Ông bỏ lỡ những cuộc hẹn, dự định hợp tác dang dở…. Thời gian nghe tin ông nhập viện Lan đã khóc nhiều và cầu nguyện cho ông mỗi ngày. Lan viết một bài hát tiếng Pháp đầu tiên có tên là “Paris – Paradis bleu” (Paris – Thiên đường màu xanh), lấy cảm hứng từ Christophe và gửi email cho ông, chờ đợi ngày ông tỉnh dậy sẽ đọc chúng. Lan cũng tự học làm nhạc bằng máy, tự quay MV để làm một món quà nhớ tới ông.

 

 

Người ta bảo Đồng Lan đang chọn cho mình một lối đi rất riêng. Có vẻ như, đường càng ít người đi thì Đồng Lan lại càng thênh thang với cuộc rong chơi hát ca của mình. Chắc hẳn chị cũng đã tận hưởng nhiều “niềm vui” trên hành trình này?

 

Vâng. Có lẽ đúng, niềm vui “đâm đầu vào bụi rậm” để hạnh phúc với từng vết đường mòn sắp bày ra trước mắt.

 

Còn hành trình thực hiện “ước mơ vòng quanh thế giới trước khi chết” của chị đang được thực hiện đến đâu rồi?

 

Chính Lan cũng không tin một cô gái nhỏ sinh ra từ một ngôi làng nhỏ lại một ngày có duyên được đi khắp nơi, khám phá nhiều địa điểm, gặp gỡ những người bạn quốc tế, chứng kiến những điều khác biệt… và càng đi lại càng yêu Việt Nam hơn. Quyết định chọn Paris để “sống thử”, học tập và làm việc cũng là một trong những bước ngoặt của hành trình ấy. Lan không muốn chỉ ghé ngang qua mà muốn sống tại đây để cảm nhận sâu hơn về văn hoá của đất nước định mệnh này. Nếu không phải bắt đầu từ nhạc Pháp thì không biết khởi nguồn cho sự nghiệp âm nhạc của Lan sẽ là gì?

 

Ngoài kia họ chọn số đông, còn Đồng Lan sẽ chọn số nào cho mình?

 

Lan chọn số 6, số yêu thích và có nhiều câu chuyện liên quan. Nhà Lan có 6 người, hiện tại Lan đang sống trên lầu 6. Đang ngồi trả lời phỏng vấn trong căn nhà số 16. Có một câu chuyện đặc biệt xảy ra ngày Lan 16 tuổi. Và mới đây Christophe ra đi cũng đúng ngày 16/4. Chọn số nào không quan trọng nữa mà có khi chính con số đã lựa chọn ta.

 

Sau những “Bolero Jazz”, “Nhạc Trịnh theo phong cách Jazz Pháp”, “Đừng Yêu Một Mình”… khán giả có thể chờ đợi điều gì tiếp theo ở Đồng Lan?

 

Dù lịch học tập sinh sống khó khăn nhưng Lan vẫn đang từng bước sáng tác cho album điện tử jazz trên cảm hứng âm nhạc dân gian Việt và văn hoá phương Tây. Dự án tiếp theo của Lan sẽ là một cuộc “mix văn hoá” trong nhạc điện tử jazz. Nó gồm những sáng tác mới của Lan mix ngôn ngữ Việt – Pháp – Anh từ chính văn hoá Việt, ngấm sâu bằng những giai điệu dân ca mẹ ru ngày nhỏ với văn hoá phương Tây nơi Lan sinh sống và học tập. Dự án tên “Quá khứ – Tương lai và Lan”.

 

Cảm ơn Lan về cuộc trò chuyện này!