Giữa thời điểm bản nhạc chế từ bài thơ “Lượm” đang gây ra nhiều tranh cãi, nếu ai là fan nhạc Rap thì chắc hẳn đã từng nghe qua một ca khúc khác cũng được lấy cảm hứng từ chính tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu do Dế Choắt thể hiện với những ca từ gần gũi, tôn vinh tiếng Việt đẹp đẽ.
Gần đây, người yêu nhạc không khỏi bức xúc khi chứng kiến những câu thơ từ tác phẩm “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu được sử dụng trong một bài nhạc chế đang xuất hiện tràn lan khắp nền tảng TikTok. Hơn thế nữa, đoạn nhạc trên được sử dụng làm nhạc nền cho loạt video. Trong đó, hình ảnh các cô cậu học sinh nhảy nhót trên bàn ghế, tạo dáng phản cảm ngay tại lớp học dường như đã trở thành một trào lưu mới. Được biết, sản phẩm này do rapper 2see trình bày còn bản phối viral khắp mạng xã hội thực hiện bởi DJ FWIN.

Khi tranh cãi đang diễn ra, nhiều người bỗng nhớ đến một ca khúc khác cũng lấy cảm hứng từ bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu từng nhận về những tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả cũng như sự đánh giá từ giới chuyên môn. Cụ thể là bản rap mang tên “Chú Bé Loắt Choắt” mà rapper Dế Choắt trình làng khi dự thi chương trình “Rap Việt” mùa đầu tiên. Trong đó, nam nghệ sĩ dựa trên hình ảnh em bé dũng cảm làm công tác liên lạc thời chiến để viết thêm những ca từ mới, gửi gắm thông điệp tích cực đồng thời truyền cảm hứng mạnh mẽ tới người nghe. Nhờ đó, Dế Choắt đã được 4 huấn luyện viên lựa chọn với 2 chiếc nón vàng đến từ rapper Wowy và Suboi.
Với sáng tạo gây tranh cãi của 2see và DJ FWIN, nhiều khán giả đã lên tiếng chỉ trích bản nhạc không chỉ làm sai lệch đi tinh thần cũng như thông điệp ý nghĩa vốn có trong bài thơ “Lượm” mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhận thức của giới trẻ. Chia sẻ với trang tin Zing News, DJ FWIN cho biết đã quyết định gỡ bỏ bản nhạc nhạy cảm trước loạt phản hồi tiêu cực từ công chúng. Đồng thời, anh bày tỏ rằng bản thân sẽ cẩn thận và chỉn chu trong việc làm nhạc để tránh phạm phải sai lầm tương tự. Mặt khác, phía rapper 2see vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào.
Phần trình diễn “Chú Bé Loắt Choắt” của Dế Choắt.
Thực tế, nhạc chế đã tồn tại trong đời sống của khán giả từ rất lâu. Vốn là sản phẩm để phục vụ cho mục đích giải trí, không bị hạn chế về mặt sáng tạo hay quy chuẩn nào nên có không ít bản nhạc sở hữu ca từ vô nghĩa, phản cảm và dung tục được ra đời. Cộng với sự phát triển của mạng xã hội, những bản nhạc chế có nội dung không lành mạnh vô tình trở nên phổ biến rộng rãi không thua kém gì các sản phẩm âm nhạc chính thức.
Cách đây không lâu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng có những chia sẻ cứng rắn về vấn đề nhạc chế. Theo đó, dù thừa nhận sự hài hước trong âm nhạc đôi khi cần thiết vì nó mang lại niềm vui cho khán giả nhưng tác giả “Nhật Ký Của Em” khẳng định hài hước và nhố nhăng, phản cảm là hoàn toàn khác nhau: “Phải có một chuẩn mực cho việc này. Đó là ý thức và văn hóa cần có đối với một người nghệ sĩ”. Anh nhận định vai trò và trách nhiệm của bộ phận kiểm duyệt rất quan trọng.