Trang chủ Tin tức Cocktails âm nhạc Bản master ca khúc là gì mà Taylor Swift cùng loạt nghệ...

Bản master ca khúc là gì mà Taylor Swift cùng loạt nghệ sĩ “sống chết” bảo vệ đến cùng?

Billboard Việt Nam

Sự việc Scooter Braun có thể sỡ hữu “kho tàng” 6 album âm nhạc của Taylor Swift bằng việc mua lại Big Machine Label Group và “cuộc chiến” sau đó với sự tham gia của nhiều cái tên đã khiến công chúng tò mò về tầm quan trọng của những bản master ca khúc. Hãy cùng lật lại những trường hợp mà các nghệ sĩ đã tranh đấu đến cùng để bảo vệ “những đứa con cưng” của mình. 

 

Về cơ bản, master là bản thu âm gốc hoàn chỉnh của một ca khúc với chất lượng cao đã trải qua quy trình xử lí kĩ thuật chỉn chu. Song song với người sáng tác ra ca khúc (hoặc những nhà xuất bản mua lại ca khúc từ người sáng tác), người nắm giữ quyền sở hữu bản quyền của bản master này có thể cấp phép sử dụng cho bên thứ 3 thực hiện với các mục đích sử dụng như: phát hành bản thu dưới dạng đĩa vinyl (đĩa than), phát trực tuyến trên TV, trong phim ảnh, phim quảng cáo, các buổi diễn công khai… Sau đó, tất cả lợi nhuận thu được từ các hoạt động này sẽ được chia cho hai bên gồm: người sáng tác ca khúc (hoặc nhà xuất bản) và phía nắm giữ bản quyền sáng tác.

 

Giọng ca đình đám Taylor Swift.

Đương nhiên, bất cứ nghệ sĩ nào cũng muốn hoàn toàn nắm giữ bản quyền các ca khúc do mình sáng tạo nên. Trong trường hợp như của Taylor Swift, nữ ca sĩ nhạc đồng quê phải chấp nhận việc để quyền này nằm trong tay của hãng Big Machine Label Group để đổi lại sự hỗ trợ tài chính cho quá trình thu âm và quảng bá sản phẩm. Nhưng mọi thứ đều có cái giá của nó, sau khi đạt được thành công, nếu muốn giành lại quyền sở hữu album hay ca khúc, các nghệ sĩ hẳn nhiên được yêu cầu đáp ứng những điều kiện rất đắt và gắt gao. Trong lịch sử âm nhạc thế giới, có không ít các nghệ sĩ đã phải trải qua hành trình khó khăn để làm chủ quyền sở hữu chính những tác phẩm do mình tạo ra.

 

Năm 1993: Prince 

 

Trước Taylor Swift, biểu tượng âm nhạc người Mỹ Prince là cái tên được biết đến nhiều nhất khi nhắc đến những “cuộc hỗn chiến” giành lấy bản quyền ca khúc. Năm 1993, hãng sản xuất Warner Bros. đã phát hành 18 album của Prince bao gồm các bản hit đình đám như “Purple Rain” và “1999”. Sau đó, Prince phát động một chiến dịch tranh đấu bao gồm việc đổi tên mình thành những biểu tượng khó đọc, thường được biết đến như “Love Symbol” (tạm dịch: biểu tượng tình yêu) với hi vọng vô hiệu hoá bản hợp đồng. Tuy nhiên, khi hành động này không đem lại kết quả khả quan, Prince đã phải xuất hiện công khai với từ “Slave” (nô lệ) được ghi trên má.

 

Sau khi thoát khỏi những thoả thuận với Warner Bros., Prince phát hành album “Emancipation” qua hãng EMI và hãng thu NPG của riêng anh. Trong những năm sau đó, anh tiếp tục ra mắt các tác phẩm của mình với nhiều hãng đĩa như Arista, Columbia cho đến Universal. Cuối cùng, vào năm 2014, sau khi kí lại hợp đồng lại với hãng Warner Bros. để trình làng ca khúc mới cũng như phiên bản ki niệm 30 năm của “Purple Rain”, Prince đã lấy lại được quyền sở hữu bản quyền các bản thu âm của mình.

 

Năm 1996: Janet Jackson 

 

Trong những năm 1990, những bản hợp đồng “bom tấn” của Janet Jackson với hãng thu âm Virgin Records luôn là đề tài nóng hổi được công chúng quan tâm. Bản hợp đồng được kí năm 1991 có trị giá lên tới 40 triệu đô, sau đó tiếp tục tăng gấp đôi lên 80 triệu đô trong năm 1996. Tuy nhiên, thoả thuận này khiến Janet Jackson phải trả cái giá vô cùng đắt khi quyền sở hữu các ca khúc của cô sẽ thuộc về Virgin Records tới tận 7 năm sau khi đôi bên kết thúc hợp đồng. Đương nhiên, khoảng thời gian dài đằng đẵng này đối với một ngôi sao có tầm vóc như Janet Jackson là không hề dễ dàng để vượt qua.

 

Nữ ngôi sao ca nhạc Janet Jackson

 

Năm 2011: Courtney Love

 

Cuộc chiến giữa Courtney Love và Universal Music Group nổ ra vào năm 2000, khi hãng này kiện nữ rocker vì từ chối phát hành 5 album mà họ đã kí hợp đồng cùng ban nhạc Hole của cô. Ngay trong năm sau đó, Courtney Love tiếp tục phản đối và đưa ra luận điểm bản hợp đồng thu âm dài hạn mà cô đã kí có dấu hiệu vi phạm đạo luật California rằng các nghệ sĩ giải trí không thể bị ràng buộc với bất kì công ty nào quá thời gian 7 năm.

 

Tháng 10/2001, Courtney Love đệ đơn kiện thứ 2 nhằm chống lại Universal Music Group (UMG) cũng như 2 nam nhạc sĩ Dave Grohl và Krist Novoselic, các thành viên trong ban nhạc Nirvana của người chồng quá cố Kurt Cobain làm thủ lĩnh để giành quyền kiểm soát các bản thu của Nirvana. Ngoài việc cáo buộc Universal Music Group lừa đảo ban nhạc số tiền bản quyền hơn 3 triệu đô la, cô còn tuyên bố rằng hãng thu Geffen Records không còn là đơn vị kí hợp đồng vào năm 1991 bởi hãng này đã được UMG mua lại sau đó. Sau khi dàn xếp với UMG vào năm 2002, Courtney Love vẫn không thể thắng kiện. Gần đây, cô lại kiên trì đâm đơn kiện UMG liên quan đến vụ cháy Universal Studios làm các bản thu âm bị phá huỷ vào năm 2008. Theo đó, vụ cháy này khiến hơn 500.000 bản thu gốc của các nghệ sĩ đình đám “tan thành mây gió”.

 

Năm 2004: Jay-Z 

 

Không cần thông qua những vụ kiện rắc rối, quyền sở hữu bản quyền ca khúc của Jay-Z đã giành lại được bằng các điều kiện khi anh kí hợp đồng với hãng thu âm Def Jam với tư cách là chủ tịch và CEO của công ty. Năm 2007, Jay-Z cũng rời vị trí này và thành lập Roc-Nation dưới hình thức liên doanh với Live Nation, theo các điều khoản nằm trong thoả thuận của Jay-Z với Def Jam, anh được nắm quyền sở hữu trở lại các bản thu âm của mình vào năm 2014. Tiếp đó, Jay-Z ra mắt nền tảng độc quyền TIDAL cho phép phát hành trực tuyến các nhạc phẩm của bản thân.

 

Nam rapper người Mỹ Jay-Z

 

Năm 2012: Metallica

 

Ban nhạc Metallica đã tận dụng vị thế của mình trong làng nhạc với hàng triệu album bán cho công ty con Elektra Records của tập đoàn Warner Music để kí liên doanh với Warner Music Group (WMG) vào năm 1994. Hành động này chính thức giúp nhóm lấy lại quyền sở hữu các bản thu âm vào tháng 11/2012. Sau khi thông báo này được đưa ra, ban nhạc tiết lộ thêm rằng hãng thu của riêng nhóm mang tên Blackened Recordings sẽ kiểm soát tất cả bản phát hành thông qua thoả thuận phân phối với hãng Rhino của WMG ở Bắc Mỹ và UMG trên phạm vi quốc tế.

 

Năm 2014: U2

 

Trong buổi phỏng vấn với Billboard vào năm 2014, Paul McGuinness – cựu quản lý của ban nhạc U2 đã tiết lộ rằng các biểu tượng nhạc rock đã mua lại 100% các bản thu âm gốc của họ trong một thoả thuận được tài trợ bởi Live Nation. Đây cũng là nơi U2 đã kí hợp đồng 12 năm vào 2008.

 

Năm 2016: Rihanna 

 

Sau khi thành lập Westbury Road Entertainment dưới dạng công ty con của Roc Nation vào năm 2015, Rihanna giành được quyền sở hữu tác quyền toàn bộ các ca khúc nằm trong những album từ hãng thu Def Jam nơi cô từng gắn bó trước đây. Dù những vấn đề liên quan đến tiền bạc không được nhắc tới nhưng khán giả yêu nhạc vẫn ngầm hiểu là nó kéo theo cái giá không hề rẻ cho một thương vụ như thế này.

 

Nữ ca sĩ Rihanna

 

Năm 2016: Frank Ocean 

 

Trong thoả thuận riêng với hãng Def Jam với mục đích mua lại các bản thu âm gốc của mình, nam ca sĩ Frank Ocean cũng giành được quyền tự phát hành album “Blonde”. Trong cuộc phỏng vấn sau đó với The New York Times, anh đã dùng cụm từ “ván cờ 7 năm” để miêu tả mối quan hệ với nơi mình từng thuộc về.

 

Năm 2019: David Johansen, John Waite, Southside Johnny, Paul Collins và Joe Ely

 

Tháng 2/2019, một số nhạc sĩ nổi tiếng đã đâm đơn kiện nhằm chống lại 2 hãng Universal Music Group và Sony Music, bao gồm David Johansen của ban nhạc New York Dolls, nam nhạc sĩ người Anh John Waite khi không thành công trong việc giành lại sự kiểm soát bản quyền bài hát theo mục số 203 của Đạo luật bản quyền năm 1976. Theo mục này, các nghệ sĩ được trao cơ hội chấm dứt quyền sở hữu bản thu âm từ các hãng tại thời điểm 35 năm sau khi ca khúc được phát hành.

Ngoài ra, các nguyên đơn gồm nam ca – nhạc sĩ Southside Johnny, cựu tay trống của nhóm nhạc Nerves – Paul Collins và nam ca sĩ Joe Ely cũng đang trong quá trình giải thoát các bản thu âm của họ. Những thứ mà theo lập luận từ phía Universal Group và Sony Music chỉ là “tác phẩm được làm ra để cho thuê”. Những “ông lớn” này cũng dùng chính điều này để từ chối tôn trọng yêu cầu từ các nghệ sĩ.