Trang chủ Tin tức Phỏng vấn độc quyền Bạn có biết hết những giai điệu từng vang lên trong không...

Bạn có biết hết những giai điệu từng vang lên trong không gian vũ trụ?

Haru/ Theo Thể Thao Văn Hóa

Âm nhạc đúng là có quyền năng kỳ lạ khi kết nối được với vô số con người, dù là người làm trong lĩnh vực gì đi chăng nữa. Đâu chỉ có ca sĩ, rapper hay nhạc sĩ mới có thể tiếp cận thường xuyên với âm nhạc. Ngay cả những phi hành gia suốt ngày lơ lửng ngoài không gian mà còn tìm đủ cách để đưa những thanh âm đẹp đẽ lên cùng mình cơ mà!

 

Cuối năm 1965, hai phi hành gia người Mỹ Wally Schirra và Thomas Stafford đã chơi kèn harmonica bài “Jingle Bells” trên chuyến bay không gian Gemini 6 do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện. Đây cũng là lần đầu tiên âm thanh của harmonica vang lên giữa vũ trụ bao la. Hiện tại, chiếc kèn này đang được trưng bày trong viện bảo tàng Smithsonian của Mỹ.

 

Ngoài harmonica, các phi hành gia yêu âm nhạc còn thử nghiệm nhiều loại nhạc cụ khác như guitar, saxophone,… Thậm chí, có những người còn sử dụng những nhạc cụ độc đáo, không nhiều người biết chơi. Ví dụ như didgeridoo – một loại sáo truyền thống của thổ dân Úc có thể làm từ nhiều vật liệu khác nhau, tạo ra âm thanh phong phú hay bagpipes, chiếc kèn túi của những người chăn cừu.

 

Bagpipes được chơi lần đầu tiên trên trạm vũ trụ vào cuối năm 2015 bởi phi hành gia Kjell Lindgren. Anh đã thể hiện ca khúc “Amazing Grace” để tưởng nhớ đến Victor Hurst – một nhà khoa học đã từng tham gia huấn luyện cùng đội với mình.

 

Phi hành gia Kjell Lindgren trình bày ca khúc “Amazing Grace” bằng chiếc kèn túi.

 

Chiếc kèn anh dùng được làm bằng chất dẻo, nhẹ và dễ dàng giúp âm thanh trong trẻo hơn loại làm từ da hay chất tổng hợp. Thử nghiệm này của Kjell rất ấn tượng vì bagpipes khó chơi trong không gian hơn nhiều so với ở mặt đất do không khí loãng.

 

Còn đối với didgeridoo, vì có kích thước quá lớn nên Don Pettit không thể đưa lên trạm vũ trụ được. Vì vậy, phi hành gia này quyết định tự chế ra một chiếc kèn tương tự từ một ống chân không.

 

Không chỉ chơi nhạc cụ, có người còn “chơi lớn” tới mức quay MV và thu hẳn một album trong tình trạng lơ lửng giữa trời. Vào năm 2013, Chris Hadfield – cựu phi hành gia người Canada đã cover ca khúc “Space Oddity” của David Bowie và nhận được rất nhiều sự chú ý nhờ những cảnh quay sắc nét, độc nhất vô nhị khi đang bay lượn ở trong trạm vũ trụ.

 

Hiện tại, MV “Space Oddity” đã thu về hơn 42 triệu view trên kênh Youtube. Hai năm sau (2015), anh quyết định phát hành trọn bộ album gồm những bài hát mình từng thu âm trong thời gian còn làm việc tại Trạm Không gian Quốc tế (International Space Station – ISS).

 

MV “Space Oddity” độc đáo của phi hành gia Chris Hadfield. Ở ngoài vũ trụ thì anh chẳng cần đến kỹ xảo gì để có thể treo mình trên không trung.

 

Cùng với cây đàn guitar và một chiếc máy tính, Chris Hadfield đã tạo ra “Space Sessions: Songs from a Tin Can” – album đầu tiên và duy nhất tính đến nay được thu hoàn toàn bên ngoài vũ trụ.

 

Được biết, Chris Hadfield đã dành ra nhiều buổi chiều để chơi guitar và thu âm trong vòng 5 tháng khi đang bay bổng trong ISS năm 2013. Khi trở về mặt đất, ông đã gửi những bản thu cho nhà sản xuất âm nhạc Robbie Lackritz để phối lại cho mượt mà.

 

 

Chia sẻ về album này, Chris cho biết vũ trụ là nơi vô cùng mới mẻ và hay ho để sáng tác âm nhạc. Bên cạnh đó, anh cũng cảm thấy rất hạnh phúc khi có thể kể những câu chuyện khám phá không gian mênh mông của vũ trụ cho mọi người.

 

Trước đó vào năm 2002, phi hành gia Carl Walz làm việc cho NASA cũng thể hiện lại ca khúc “Heartbreak Hotel” nổi tiếng của “ông vua nhạc Rock” Elvis Presley khi đang ở cách bầu khí quyển Trái Đất gần 400 km.

 

Sau khi nghe được những điều này, còn ai nói những nhà khoa học hay phi hành gia đều là người khô khan nữa chứ? Có thể thấy khá nhiều người trong số họ có tâm hồn nghệ sĩ mơ mộng chẳng thua kém ngôi sao ca nhạc nào.