Trang chủ Tin tức Cocktails âm nhạc Bài hát tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo có được đăng...

Bài hát tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo có được đăng kí bản quyền?

Thảo

Trong bối cảnh những câu hỏi xoay quanh việc trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đến ngành công nghiệp âm nhạc như thế nào, cơ quan đăng ký bản quyền của Mỹ đã lên tiếng làm rõ việc này cũng như chia sẻ cách sử dụng AI sao cho vẫn được bảo vệ bản quyền. 

 

Vừa qua, Billboard Mỹ đã chia sẻ một báo cáo chính sách mới từ Văn phòng Bản quyền Mỹ được công bố vào ngày 15/3. Trong đó, văn phòng cho biết các bài hát, tác phẩm nghệ thuật khác được tạo ra với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo vẫn sẽ có trường hợp được đăng ký bản quyền với điều kiện tác giả cuối cùng phải là con người. Cơ quan này cũng khẳng định các sản phẩm được tạo ra có sự góp sức từ công cụ AI hoàn toàn không bị cấm đăng ký bản quyền. Nhưng để được đăng ký, công cụ AI không được đóng vai trò chi phối trong quá trình sáng tạo và sẽ phải được xem xét kĩ lưỡng. 

 

“Nếu các yếu tố truyền thống về quyền tác giả của tác phẩm được tạo ra bởi một cỗ máy, thì tác phẩm đó mất đi quyền tác giả của con người và văn phòng sẽ không đăng ký bản quyền. Ví dụ, khi một công cụ AI chỉ nhận được một lời chỉ dẫn từ con người và tạo ra các tác phẩm văn bản, hình ảnh hoặc âm nhạc phức tạp để đáp lại, thì các yếu tố truyền thống của quyền tác giả được xác định và thực thi bởi công cụ đó chứ không phải người dùng”, Văn phòng Bản quyền Mỹ giải thích thêm.

 

công nghệ AI
Mặc dù công nghệ AI giúp các nghệ sĩ dễ dàng hơn trong việc làm nhạc, nhưng cùng với đó là những băn khoăn về vấn đề bản quyền.

Theo đó, bản báo cáo cũng liệt kê những trường hợp có sự hỗ trợ của AI nhưng vẫn sẽ được bảo vệ bản quyền. Một vài ví dụ được đưa ra gồm có dạng tác phẩm được nghệ sĩ kết hợp từ các yếu tố do AI tạo ra hoặc dạng tác phẩm do AI tạo ra sau đó được nghệ sĩ chỉnh sửa kĩ càng và hoàn thiện. “Trong mỗi trường hợp, điều quan trọng là mức độ con người kiểm soát sáng tạo đối với cách thể hiện của tác phẩm và nghệ sĩ thực sự tạo nên các yếu tố truyền thống của quyền tác giả”, báo cáo nhấn mạnh. 

 

Vì vậy, Văn phòng Bản quyền cũng đưa ra quy tắc rằng bất kỳ ai gửi các tác phẩm để đăng ký bản quyền đều phải tiết lộ yếu tố nào do AI thực hiện và yếu tố nào do con người tạo ra. Việc phân tích để cấp phép đăng ký bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm được hỗ trợ bởi AI sẽ “nhất thiết phải là một cuộc điều tra theo từng trường hợp” và kết quả cuối cùng sẽ luôn phụ thuộc vào từng trường hợp riêng lẻ, trong đó phải làm rõ được “cách thức hoạt động của công cụ AI” cũng như “cách thức công nghệ AI được sử dụng để tạo ra tác phẩm cuối cùng”. 

 

Tuy nhiên, báo cáo của Văn phòng Bản quyền Mỹ vẫn chưa đề cập hay giải quyết một câu hỏi mang tính pháp lý khác về câu chuyện dùng AI để làm nghệ thuật: Liệu những người tạo ra các ứng dụng AI có vi phạm bản quyền vô vàn tác phẩm trước đó được sử dụng để “đào tạo” công cụ trí tuệ nhân tạo của mình hay không? Vào tháng Mười năm ngoái, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA) đã cảnh báo rằng các nhà cung cấp ứng dụng AI đang vi phạm bản quyền hàng loạt do đã dùng các sản phẩm âm nhạc hiện có để đào tạo trí tuệ nhân tạo. Mặc dù chưa có câu trả lời chính thức, nhưng văn phòng cho biết họ đã có kế hoạch sớm cân nhắc cho vấn đề này.